Tin tức

Tin nổi bật

Thế nhưng những người con của ông Durov sẽ không thể “ngồi mát ăn bát vàng” ngay lập tức.

Có hơn 100 người con khắp thế giới, tất cả đều được thừa kế tài sản tỷ USD của CEO Telegram- Ảnh 1.

Pavel Durov, tỷ phú 40 tuổi sáng lập nên ứng dụng nhắn tin Telegram, vừa gây chấn động dư luận khi tiết lộ kế hoạch để lại toàn bộ gia tài khổng lồ trị giá 13,9 tỷ USD cho hơn 100 đứa con của mình trên khắp thế giới.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tạp chí Le Point của Pháp, CEO Telegram đã chia sẻ câu chuyện đầy bất ngờ về cuộc sống riêng tư và kế hoạch di sản đặc biệt. Durov thừa nhận ông là cha chính thức của 6 đứa con với 3 người phụ nữ khác nhau, nhưng con số này chỉ là phần nổi của tảng băng.

Có hơn 100 người con khắp thế giới, tất cả đều được thừa kế tài sản tỷ USD của CEO Telegram- Ảnh 2.

CEO và là nhà đồng sáng lập Telegram, Pavel Durov

Điều khiến công chúng thực sự kinh ngạc là việc Durov đã bắt đầu hiến tinh trùng từ 15 năm trước, và theo ông, hơn 100 em bé đã được sinh ra từ cách thức này. ” Tôi muốn làm rõ rằng tôi không phân biệt giữa các con của mình: có những đứa được sinh ra tự nhiên và có những đứa đến từ việc hiến tinh trùng của tôi. Chúng đều là con tôi và sẽ có quyền bình đẳng ,” ông khẳng định một cách nghiêm túc.

Quyết định này không chỉ thể hiện quan niệm độc đáo về gia đình mà còn phản ánh tư duy kinh doanh táo bạo đã giúp Durov xây dựng nên đế chế Telegram với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động trên toàn cầu. Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của ông hiện được ước tính lên tới 13,9 tỷ USD, khiến ông trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.

Tuy nhiên, những đứa con của Durov sẽ không thể “ngồi mát ăn bát vàng” ngay lập tức. Trong di chúc được viết gần đây, ông quy định rằng tất cả con cái sẽ không được quyền động đến tài sản trong vòng 30 năm kể từ hiện tại. Động thái này cho thấy Durov muốn đảm bảo con em của mình phải tự lập trước khi thừa hưởng gia tài khổng lồ.

Phong cách sống của Durov cũng không kém phần đặc biệt. Ông nổi tiếng với những hành vi đôi khi khiêu khích, từng gây sốt mạng xã hội khi đăng ảnh khoe thân hình cơ bắp chúc mừng 11,1 triệu người theo dõi nhân dịp lễ Phục Sinh. Thói quen hàng ngày của ông bao gồm 300 lần hít đất và 300 lần squat, đồng thời tránh hoàn toàn rượu bia, cà phê và trà.

Cuộc sống phi thường này diễn ra trong bối cảnh Durov đang phải đối mặt với những thách thức pháp lý nghiêm trọng. Chính quyền Pháp đã buộc tội ông về việc để cho tội phạm hoạt động trên nền tảng Telegram, những cáo buộc mà Durov kiên quyết phủ nhận.

Dù vậy, những rắc rối pháp lý dường như không làm lung lay quyết tâm của vị tỷ phú trong việc xây dựng di sản cho thế hệ tương lai. Việc ông coi tất cả những đứa con, dù sinh ra bằng cách nào, đều có quyền thừa kế như nhau, phản ánh một quan niệm tiến bộ về gia đình và trách nhiệm xã hội.

Theo Nguyễn Hải

Thanh niên Việt

Thậm chí bạn còn không cần phải có tiền ảo trong ví để bị “lấy cắp” tiền ảo!

Giới chức Ukraine mới đây đã bắt giữ một hacker bị cáo buộc xâm nhập hơn 5.000 tài khoản tại một công ty lưu trữ dữ liệu toàn cầu, sau đó sử dụng các tài khoản này để khai thác tiền ảo. Theo Cảnh sát Mạng Ukraine, đối tượng đã cài đặt các máy ảo trên những máy chủ bị kiểm soát nhằm vận hành phần mềm “đào coin”, khiến công ty bị thiệt hại khoảng 185 triệu hryvnia tương đương gần 4,5 triệu USD theo tỷ giá hiện tại.

Cảnh sát cho biết nghi phạm, 35 tuổi, đã sử dụng các công cụ tình báo nguồn mở từ năm 2018 để tìm và khai thác lỗ hổng trong hạ tầng mạng của nhiều công ty khác nhau.

Khi bị bắt giữ, lực lượng chức năng đã thu giữ máy tính, điện thoại di động, thẻ ngân hàng và nhiều tang vật khác liên quan đến các vụ xâm nhập. Ngoài ra, họ còn phát hiện thông tin đăng nhập email bị đánh cắp, ví tiền mã hóa chứa số coin được đào từ các tài khoản bị chiếm quyền, phần mềm tự động điều khiển hàng loạt máy ảo, cũng như công cụ truy cập từ xa và đánh cắp dữ liệu. Nghi phạm cũng bị phát hiện sở hữu nhiều tài khoản trên các diễn đàn hacker, song chưa rõ liệu người này hành động một mình hay có đồng phạm.

Do cuộc điều tra vẫn đang diễn ra, cảnh sát cho biết các cáo buộc bổ sung có thể sẽ được đưa ra tùy theo kết quả cuối cùng. Theo luật pháp Ukraine, nếu bị kết tội nghi phạm có thể phải đối mặt với mức án lên tới 15 năm tù. Hiện vẫn chưa rõ liệu nhà nước có tịch thu số tiền ảo thu lợi bất chính hay các nạn nhân sẽ phải chi trả (hoặc được hoàn lại) những khoản phí phát sinh từ hoạt động khai thác phi pháp này.

Đây không phải là vụ tấn công liên quan đến tiền ảo đầu tiên được phát hiện trong năm nay. Trước đó, sàn Coinbase đã bị mất 400 triệu USD, còn ByBit trở thành nạn nhân của vụ hack lớn nhất lịch sử ngành tiền ảo với thiệt hại lên tới 1,5 tỷ USD.

Một vụ khác gây chú ý là hai anh em đã can thiệp vào các giao dịch Ethereum trước khi được xác thực, qua đó chuyển 25 triệu USD về tài khoản của mình thay vì đến tay người nhận hợp pháp. Tuy nhiên, trường hợp lần này có phần khác biệt, thay vì đánh cắp tiền trực tiếp từ ví hacker lại chiếm đoạt tài nguyên xử lý của các công ty mà họ không hay biết.

Khi việc khai thác tiền ảo vẫn là lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận, ngày càng có nhiều người tìm cách chiếm đoạt bằng các hình thức gian lận hoặc tấn công mạng. Vụ việc lần này cho thấy ngay cả khi bạn không sở hữu bất kỳ tài sản tiền ảo nào, bạn vẫn có thể trở thành nạn nhân thông qua những cách gián tiếp.

Lỗ hổng zero-day nghiêm trọng trên Google Chrome đặt hàng tỷ người dùng vào nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu nhạy cảm.

Một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng vừa được phát hiện trên trình duyệt Google Chrome và các trình duyệt dựa trên nhân Chromium, đặt hàng tỷ người dùng trên cả hai nền tảng Windows và Linux vào tình trạng báo động về nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu nhạy cảm.

Theo TechRadar, lỗ hổng mang mã định danh CVE-2025-4664 được đánh giá là zero-day – tức chưa có bản vá chính thức tại thời điểm phát hiện – và đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới chuyên gia bảo mật toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu từ công ty an ninh mạng Wazuh cho biết, điểm nguy hiểm của lỗ hổng này nằm ở khả năng rò rỉ dữ liệu quan trọng như mã xác thực OAuth và định danh phiên đăng nhập (session identifier) mà không cần bất kỳ tương tác nào từ phía người dùng.

Cụ thể, lỗ hổng xuất phát từ thành phần Loader trong trình duyệt Chrome, liên quan đến cách xử lý tiêu đề HTTP Link khi tải các tài nguyên phụ như hình ảnh hoặc đoạn mã script. Khác với nhiều trình duyệt phổ biến hiện nay, Chrome vẫn tuân thủ chỉ thị referrer-policy ngay cả đối với các tài nguyên phụ, tạo điều kiện cho kẻ tấn công chèn các chính sách truy xuất lỏng lẻo như unsafe-url, từ đó làm rò rỉ toàn bộ URL chứa dữ liệu nhạy cảm sang các tên miền của bên thứ ba.

Đại diện Wazuh cho biết, mô-đun Wazuh Vulnerability Detection, kết hợp với dữ liệu từ nền tảng Cyber Threat Intelligence (CTI), có khả năng phát hiện và hỗ trợ khắc phục lỗ hổng này. Trong môi trường kiểm thử, Wazuh đã chứng minh khả năng quét và phát hiện các phiên bản Chrome hoặc Chromium dễ bị khai thác trên hệ điều hành Windows 11 và Debian 11.

Lỗ hổng bảo mật trên Chrome đe dọa an toàn dữ liệu người dùng (Ảnh: SCWorld)

Trước mối đe dọa nghiêm trọng từ lỗ hổng CVE-2025-4664, Google đã nhanh chóng phát hành bản vá khẩn cấp dành cho người dùng Chrome trên hệ điều hành Windows và Gentoo Linux. Người dùng trên hai nền tảng này được khuyến cáo cập nhật trình duyệt ngay lập tức để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công.

Tuy nhiên, tình hình trở nên đáng lo ngại hơn đối với người dùng trình duyệt Chromium trên Debian 11, khi tất cả các phiên bản cho đến 120.0.6099.224 đều được xác nhận là vẫn còn tồn tại lỗ hổng và chưa có bản cập nhật vá lỗi nào được phát hành. Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng tạm thời gỡ cài đặt trình duyệt này cho đến khi có phiên bản an toàn thay thế.

Mặc dù Google đã có động thái kịp thời, giới chuyên gia cảnh báo rằng việc chỉ trông chờ vào các bản cập nhật trình duyệt là chưa đủ để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa zero-day ngày càng tinh vi. Người dùng cá nhân và doanh nghiệp được khuyến nghị nên triển khai thêm các giải pháp bảo vệ điểm cuối (endpoint protection), kết hợp với phần mềm chống mã độc và diệt virus, nhằm thiết lập một hệ thống phòng thủ nhiều lớp, tăng cường khả năng phát hiện và ngăn chặn các hành vi khai thác lỗ hổng theo thời gian thực.

 

Để kịp thời triển khai Thông tư 31 và 32/2025/TT-BTC từ ngày 1/6/2025, Cục Thuế yêu cầu các Chi cục tập trung phổ biến, hướng dẫn, chuẩn bị điều kiện thi hành đến tổ chức, cá nhân nộp thuế và cán bộ thuế.

Tăng cường quản lý tem điện tử

Ngày 31/5/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/2025/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2021/TT-BTC ngày 30/3/2021. Thông tư này tập trung vào việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá.

Cụ thể, Thông tư sửa đổi Điều 3 về mẫu tem và quy định về dán tem điện tử; sửa đổi Điều 5 về quản lý, mua bán tem điện tử thuốc lá nhập khẩu, tem điện tử rượu nhập khẩu; sửa đổi Điều 6 về quản lý tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và sửa đổi Điều 7 về kinh phí in tem.

Đồng thời, quy định khi tổ chức, cá nhân xuất tem cho bộ phận sản xuất thì tổ chức, cá nhân phải quét mã QR gắn trên thùng tem hoặc Block tem hoặc con tem, đồng thời nhập các dữ liệu để đảm bảo kết nối thông tin về dữ liệu tem điện tử được truyền về Hệ thống quản lý tem điện tử.

Về biểu mẫu, Thông tư thay thế Mẫu số 02/TEM, Mẫu số 04/TEM, Mẫu số 07/TEM ban hành kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BTC bằng các mẫu tương ứng mới ban hành kèm theo Thông tư số 31/2025/TT-BTC. Đồng thời, bãi bỏ Mẫu số 03/TEM và Mẫu số 05/TEM của Thông tư cũ.

Giao dịch hóa đơn điện tử áp dụng quy định mới

Thông tư số 32/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/6/2025, thay thế Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021. Cục Thuế nê một số nội dung trọng tâm cần lưu ý.

Thứ nhất, kể từ ngày 1/6/2025, tổ chức khai thuế thu nhập cá nhân phải ngừng sử dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân điện tử đã thực hiện theo các quy định trước đây và chuyển sang áp dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân điện tử theo quy định tại Nghị định số 70/2025/NĐ-CP ngày 20-3-2025 của Chính phủ.

Thứ hai, trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử đã ký hợp đồng với cơ quan thuế trước ngày 1/7/2023 thì Cục Thuế yêu cầu tổ chức tiếp tục thực hiện theo hợp đồng cho đến ngày 1/7/2025.

Thứ ba, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng thuộc đối tượng quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ, sẽ sử dụng hóa đơn điện tử từ khởi tạo từ máy tính tiền từ thời điểm cơ quan thuế chấp nhận đăng ký sử dụng. Trường hợp đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền với cơ quan thuế trước ngày 1/6/2025 thì tiếp tục sử dụng.

Thứ tư, trường hợp doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ, ăn uống, khách sạn, vận tải, chiếu phim, vui chơi, giải trí…) thì phải đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế phục vụ hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. Nếu trước ngày 1/6/2025 đã chọn chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP thì tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử đã đăng ký.

Lãnh đạo Cục Thuế yêu cầu các Chi cục trưởng chủ động triển khai, thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới của hai Thông tư nêu trên đến người nộp thuế, công chức thuế, chuẩn bị đầy đủ điều kiện bảo đảm thi hành từ ngày 1/6/2025.

Ngoài ra, Cục Thuế cho biết: Sẽ có văn bản giới thiệu chi tiết các điểm mới của Thông tư số 31/2025/TT-BTC và Thông tư số 32/2025/TT-BTC để các Chi cục Thuế tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng người nộp thuế và công chức thuế.

Từ các công cụ hỗ trợ hàng ngày đến kính thông minh, AI mở ra thế giới cơ hội, giúp họ độc lập và tự tin cạnh tranh.

 

Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ kỹ thuật số đang làm thay đổi mọi lĩnh vực, một trong những ứng dụng ý nghĩa và nhân văn nhất lại đang diễn ra một cách âm thầm, đó là công nghệ hỗ trợ cho người khuyết tật. Không chỉ giúp họ tiếp cận thông tin, học tập hay làm việc hiệu quả hơn, những công nghệ mới, đặc biệt là các công cụ tích hợp AI, đang từng bước mở rộng thế giới, xóa bỏ rào cản, và mang đến cho hàng triệu người một cuộc sống độc lập, tự tin và đầy cơ hội.

Tại Fredericton, Kevin Carrier là một trong những người đi tiên phong trong làn sóng công nghệ hỗ trợ này. Là chuyên gia công nghệ hỗ trợ tại tổ chức Vision Loss Rehabilitation Canada, Carrier truyền cảm hứng ngay từ trên bục giảng. Ông mắc bệnh Stargardt, một dạng thoái hóa điểm vàng gây mất thị lực, và chính trải nghiệm đó giúp ông hiểu sâu sắc những thách thức người khuyết tật gặp phải khi bước ra ngoài thế giới.

Kevin Carrier, chuyên gia công nghệ hỗ trợ của Vision Loss Rehabilitation tại New Brunswick, cho biết những tiến bộ công nghệ đang mang lại sự tự tin và độc lập hơn cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày Ảnh: Allyson McCormack/CBC.

Trong công việc hàng ngày, Carrier hướng dẫn khách hàng sử dụng các phần mềm có khả năng đọc văn bản, phóng to màn hình, chuyển chữ thành giọng nói, tóm tắt tài liệu, hoặc sắp xếp thông tin một cách trực quan và dễ hiểu. Những công cụ này có thể tạo ra sự khác biệt to lớn cho người khiếm thị, khiếm thính, hay người mắc chứng khó tiếp thu hoặc khó tập trung.

Công nghệ hỗ trợ không chỉ giúp bạn làm được việc”, Carrier nói, “mà quan trọng hơn, là giúp bạn làm việc đó trong khi vẫn có thể cạnh tranh với người lành lặn và không cần đến sự giúp đỡ của người khác”.

Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất là kính thông minh tích hợp AI, có giá khoảng 400 USD. Thiết bị này không chỉ sở hữu camera, loa ngoài, micro và bảng điều khiển cảm ứng, mà còn có khả năng mô tả môi trường xung quanh bằng trí tuệ nhân tạo. Với người khiếm thị, cặp kính mở ra một “thế giới hoàn toàn mới”.

Theo Carrier, những công nghệ như vậy đang giúp “mở khóa rất nhiều cơ hội và khả năng cho người dùng”. Điều này đặc biệt quan trọng khi nhìn vào thực tế: theo tổ chức Thống kê Canada, hơn 35% dân số tỉnh New Brunswick sống chung với khuyết tật, nhưng chỉ 46% trong số đó có việc làm. Công nghệ, nếu được hiểu đúng và sử dụng đúng, có thể chính là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách đó.

Carrier tin rằng “chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để xã hội chấp nhận người khuyết tật và cả công nghệ hỗ trợ họ”.

Tôi nghĩ nếu giúp các nhà tuyển dụng và nhà giáo dục hiểu được tiềm năng của công nghệ hỗ trợ nói chung, chúng ta có thể xóa bỏ những định kiến, góp phần hạn chế thiên kiến với một số nhóm người nhất định”.

Những hiểu nhầm không đáng có

Charles Levasseur, chuyên gia công nghệ hỗ trợ tại tổ chức phi lợi nhuận Neil Squire Society ở Moncton, cũng là một người tiên phong trong lĩnh vực này. Ông đã làm việc với công nghệ từ thời MS-DOS vào những năm 1980, nhưng theo ông, chưa có giai đoạn nào công nghệ hỗ trợ lại phát triển nhanh và mạnh như hiện tại. Ngày nay, tốc độ phát triển đặc biệt nhanh với sự xuất hiện của AI.

Charles Levasseur, chuyên gia công nghệ hỗ trợ của Neil Squire Society, mong muốn thấy nhiều nhà tuyển dụng đón nhận công nghệ mới hơn nữa – Ảnh: Allyson McCormack/CBC.

Tuy nhiên, Levasseur cảnh báo rằng AI vẫn đang bị hiểu lầm và lạm dụng. Việc sử dụng các công cụ như Grammarly (vốn sử dụng AI để hỗ trợ tạo sinh nội dung) đang bị một số trường học cấm đoán: họ cho rằng học sinh dựa dẫm quá nhiều vào công nghệ. Nhưng theo ông, đây là một con dốc trơn trượt, có thể khiến người đi sa đà vào những xu hướng bất lợi.

Thay vì ngăn cản sử dụng ngay từ đầu hãy tìm cách áp dụng nó theo cách hợp lý và được chấp nhận”, ông nhận định.

Với Levasseur, điều cần thiết là phải nâng cao hiểu biết số cho mọi người, không chỉ để sử dụng công nghệ đúng cách mà còn để tránh những quyết định cực đoan. Bởi nếu không, chính những người thực sự cần công nghệ hỗ trợ sẽ bị ảnh hưởng.

Đáng mừng là nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ hiện nay đã được tích hợp sẵn trong điện thoại, máy tính bảng và máy tính cá nhân, từ công cụ đọc màn hình đến nhận diện giọng nói. Ngoài ra, nhiều tổ chức và chương trình hỗ trợ tài chính cũng đang giúp người dùng tiếp cận các phần mềm và thiết bị chuyên biệt hơn với chi phí hợp lý.

Và tương lai thì đang đến rất gần.

Tương lai xán lạn cho người yếu thế

Carrier không giấu được sự háo hức khi nói về bước tiếp theo của công nghệ hỗ trợ: “Bước tiến tiếp theo mà nhiều công ty đang hướng tới là AI phản hồi theo thời gian thực … kiểu như ‘Bạn có thể băng qua đường bây giờ’ hoặc ‘Phía trước có vật cản’”.

Ông thậm chí còn tự hỏi liệu một ngày nào đó công nghệ này có thể thay thế chó dẫn đường hay không. Với khả năng định hướng, nhận diện vật thể, và giao tiếp ngôn ngữ tự nhiên, những trợ lý ảo thế hệ mới có thể giúp người khiếm thị tự đi lại, mua sắm, đọc thư, và sống một cách độc lập hơn bao giờ hết.

Bàn phím chữ nổi được sử dụng bởi một số người có thị lực kém. Nó kết nối với máy tính, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, và sử dụng các chốt cơ học nhô lên và thụt xuống để biểu thị các chữ cái và từ khác nhau – Ảnh: Shane Fowler/CBC.

“Khi đó, người khiếm thị, người thị lực yếu hay bất kỳ ai cũng có thể điều hướng trong nhà, nơi làm việc, cộng đồng, tự đi mua sắm, đọc thư khi nhận được… Tôi nghĩ điều đó không chỉ cực kỳ hay ho, mà còn cực kỳ quan trọng. Và tôi thật sự háo hức chờ xem điều gì đang đến gần”, ông nhận định.

Việc ứng dụng AI trong hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam

Tại Việt Nam, việc ứng dụng AI trong hỗ trợ người khuyết tật đang ngày càng ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể, góp phần thu hẹp khoảng cách số và mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ cho nhóm đối tượng yếu thế này. Theo số liệu năm 2024 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 28,9% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, và khoảng 10% thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Mặc dù còn nhiều thách thức, tỷ lệ người khuyết tật có truy cập internet vào năm 2023 đã đạt 33,6%, và tỷ lệ sở hữu điện thoại di động tăng lên 53,7%, so với mức 38,9% vào năm 2016.

Nhiều sáng kiến ứng dụng AI đang được triển khai hiệu quả, nổi bật là cuộc thi “Microsoft AI cho người khuyết tật” (AI4A Hackathon) do Microsoft Việt Nam phối hợp với Trường Đại học RMIT Việt Nam tổ chức. Đây là sân chơi công nghệ mang tầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được triển khai từ năm 2019 nhằm tìm kiếm những giải pháp sáng tạo sử dụng AI để cải thiện cuộc sống hằng ngày của người khuyết tật. 

Năm 2024, đội Respectability gồm ba sinh viên RMIT Việt Nam đã giành giải quán quân tại Việt Nam với giải pháp SightSence Technology – một công nghệ kính đeo tích hợp camera và gậy cảm biến, có khả năng chuyển dữ liệu hình ảnh thành thông tin xúc giác qua màn hình chữ nổi Braille, hỗ trợ người mù di chuyển và nhận biết môi trường xung quanh. 

Respectability xuất sắc giành chiến thắng cuộc thi phát triển các giải pháp AI dành cho người khuyết tật của Microsoft – Ảnh: Microsoft.

Song song với các sáng kiến công nghệ chuyên biệt, các chương trình phổ cập công nghệ số cũng đang được đẩy mạnh để tăng cường năng lực số cho cộng đồng, bao gồm cả người khuyết tật. Nền tảng “Bình dân học vụ số” ra đời từ ngày 26-3 với mục tiêu mang tri thức số đến từng nhà, hướng dẫn người dân – đặc biệt là người lớn tuổi, người ở vùng sâu, vùng xa – sử dụng smartphone, truy cập internet và các dịch vụ số thiết yếu. Nền tảng này tích hợp với hệ thống định danh VNeID và có khả năng phục vụ đồng thời 40.000 người học, đồng thời giúp giảm đến 80% chi phí đào tạo. 

Trong thời đại mà AI đang làm thay đổi thế giới từng ngày, có lẽ một trong những sứ mệnh đẹp đẽ nhất của công nghệ chính là trao lại cho con người khả năng mà họ từng mất, đồng thời mở ra những khả năng mới mà trước kia chưa từng có. Công nghệ hỗ trợ, khi được kết hợp đúng cách với AI, không chỉ là một công cụ kỹ thuật. Nó là một lời khẳng định: rằng mọi người – dù ở hoàn cảnh nào – đều xứng đáng được trao cơ hội bình đẳng để sống, làm việc và phát triển.

Cảnh báo
Các chuyên gia an ninh mạng vừa cảnh báo về một thủ đoạn tấn công mới, trong đó tin tặc lợi dụng nền tảng TikTok kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để phát tán mã độc.

Trong bối cảnh các vụ tấn công mạng và rò rỉ dữ liệu ngày càng gia tăng, các chuyên gia bảo mật vừa phát hiện một thủ đoạn tinh vi mới: tin tặc lợi dụng video do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra trên nền tảng TikTok để lừa người dùng tự tay cài đặt phần mềm độc hại, nhằm đánh cắp thông tin trên máy tính chạy Windows 11.

Thủ đoạn này, do công ty bảo mật TrendMicro phanh phui, cho thấy mức độ leo thang đáng báo động trong việc lợi dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho mục đích xấu. Thay vì trực tiếp tạo ra mã độc – điều mà hầu hết các hệ thống AI hiện nay đều có cơ chế ngăn chặn – tin tặc tận dụng AI để sản xuất các video hướng dẫn với giọng đọc tự nhiên. Những video này được ngụy trang dưới dạng mẹo vặt, hướng dẫn sửa lỗi hoặc kích hoạt các phần mềm phổ biến như Windows, Microsoft Office hay Spotify, nhắm vào người dùng tìm cách sử dụng phần mềm lậu.

Điểm tinh vi của phương thức tấn công này nằm ở việc AI chỉ đơn thuần đọc lại các hướng dẫn do tin tặc soạn sẵn. Các video này không chứa liên kết tải xuống trực tiếp hay bất kỳ đoạn văn bản nào có thể bị công cụ kiểm duyệt tự động của TikTok phát hiện và xử lý. Thay vào đó, giọng nói AI từng bước dẫn dắt người xem thực hiện quy trình, khiến họ tin rằng mình đang kích hoạt phần mềm hợp pháp, trong khi thực tế là tự tay tải về và cài đặt mã độc.

Loại phần mềm độc hại được phát tán chủ yếu là các chương trình “infostealer” nguy hiểm như Vidar và StealC. Khi xâm nhập thành công, chúng âm thầm thu thập dữ liệu nhạy cảm trên máy tính nạn nhân, bao gồm thông tin đăng nhập các tài khoản trực tuyến, chi tiết ví tiền điện tử và nhiều dữ liệu cá nhân khác. Đáng lo ngại hơn, các mã độc này có khả năng tự ẩn mình và duy trì hoạt động lâu dài trên hệ thống, khiến việc phát hiện và loại bỏ trở nên hết sức phức tạp.

TrendMicro cho biết đã phát hiện nhiều tài khoản ẩn danh trên TikTok được tạo ra nhằm đăng tải các video độc hại do AI sản xuất. Một trong số các video này từng đạt tới 500.000 lượt xem, cho thấy mức độ lây lan nguy hiểm của hình thức tấn công, đặc biệt khi thuật toán TikTok có thể vô tình khuếch đại khả năng tiếp cận và hiển thị của các video “viral”.

Để tự bảo vệ, người dùng cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo những hướng dẫn đáng ngờ từ các nguồn không rõ ràng trên mạng xã hội, nhất là các video hướng dẫn sử dụng hoặc kích hoạt phần mềm không có bản quyền. Trong trường hợp nghi ngờ máy tính bị nhiễm mã độc, hãy tìm đến các chuyên gia hoặc công ty bảo mật để được hỗ trợ, tiến hành quét và loại bỏ phần mềm độc hại, đồng thời ngay lập tức thay đổi toàn bộ mật khẩu quan trọng và rà soát các giao dịch tài chính bất thường nhằm phòng ngừa thiệt hại.

Trước sự phát triển không ngừng của công nghệ AI, các chiêu trò lừa đảo tương tự được dự báo sẽ ngày càng tinh vi và lan rộng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các nền tảng mạng xã hội trong việc thắt chặt kiểm duyệt nội dung, đồng thời đòi hỏi người dùng phải nâng cao ý thức cảnh giác để bảo vệ chính mình trước nguy cơ mất an toàn thông tin.

Theo BGR

Google vừa phát đi cảnh báo về 5 hình thức lừa đảo qua tin nhắn do tội phạm mạng thực hiện. Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi, khiến người dùng dễ bị sập bẫy nếu không cảnh giác và kiểm tra kỹ các nội dung nhận được.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các vụ lừa đảo liên quan đến Google đã gây thiệt hại lên tới 12,5 tỷ USD (tương đương 325,4 tỷ VND) trong năm 2024, tăng 25% so với năm 2023, theo công bố của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC). 

Tại 5 hình thức này, kẻ gian thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dùng về các thủ đoạn gian lận, từ đó dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo mà không lo bị phát hiện. 

Thứ nhất, mạo danh bộ phận chăm sóc khách hàng: Các đối tượng lừa đảo thường giả danh nhân viên của các công ty lớn để đánh cắp thông tin cá nhân. Chúng lợi dụng tâm lý lo lắng về bảo mật và các sự cố kỹ thuật để đánh lừa người dùng. 

Để tránh bị lừa, người dân nên kiểm tra kỹ số điện thoại gọi đến, đồng thời xác minh xem đó có phải là số điện thoại đáng tin cậy hay không trước khi tiếp tục cuộc gọi.

Thứ hai, quảng cáo chứa phần mềm độc hại: Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các quảng cáo giả mạo để phát tán các phần mềm độc hại. Các nhà nghiên cứu của Google cho biết, những kẻ này nhắm tới cả những người dùng có kinh nghiệm, đặc biệt là những người sở hữu tài sản số có giá trị hay các influencer trên mạng xã hội.

Để tránh rơi vào bẫy, người dùng cần phải cần hết sức cảnh giác trước những lời mời gọi cài đặt phần mềm bản quyền “miễn phí”. Chỉ tải phần mềm từ các nguồn đã được xác minh rõ ràng.

Thứ ba, lừa đảo thông qua trang web du lịch giả mạo: Với chiêu thức này, các đối tượng lừa đảo thường giả danh các công ty du lịch hoặc khách sạn uy tín. Sau đó, chúng đưa ra những gói nghỉ dưỡng hấp dẫn, nhằm đánh lừa người dân có nhu cầu du lịch. 

Do đó, Google khuyến cáo người dân nên lên kế hoạch chuyến đi với các hãng hàng không và khách sạn có uy tín, đã được xác minh rõ ràng.

Thứ tư, giả mạo đơn vị vận chuyển: Kẻ gian giả danh công ty vận chuyển hoặc nhà bán lẻ trực tuyến uy tín nhằm chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng. Chúng thường gửi tin nhắn hoặc email giả mạo, yêu cầu người nhận thanh toán thêm các khoản phí “phụ thu” với lý do rút ngắn thời gian giao hàng.

Trước thủ đoạn này, khi đang chờ bưu kiện, người dân nên kiểm tra thông tin đơn hàng trực tiếp trên trang web chính thức của đơn vị vận chuyển và tuyệt đối không bấm vào đường link lạ hoặc tin nhắn chưa xác thực.

Thứ năm, chiêu trò lừa đảo thu phí đường cao tốc: Lợi dụng việc nhiều tuyến cao tốc hiện nay đã áp dụng hình thức thu phí tự động, không dùng tiền mặt, các đối tượng lừa đảo đã gửi hàng loạt tin nhắn giả mạo, yêu cầu người dân thanh toán các khoản phí cầu đường chưa trả. 

Vì vậy, khi nhận được tin nhắn này, người dân cần chủ động liên hệ trực tiếp với đơn vị quản lý đường cao tốc để xác minh thông tin trước khi chuyển tiền. Ngoài ra, không bấm vào bất kỳ đường link nào được gửi từ số điện thoại hoặc email không rõ danh tính để tránh bị lừa đảo. 

 

Một chiến dịch lừa đảo mạng tinh vi nhắm vào người dùng Facebook, lợi dụng dịch vụ hợp pháp của Google để qua mặt hệ thống bảo vệ email, chiếm đoạt thông tin tài khoản.

Một chiến dịch lừa đảo mạng tinh vi vừa được phát hiện, nhắm trực diện vào người dùng Facebook. Điều đáng lo ngại là thủ phạm đã lợi dụng chính một dịch vụ hợp pháp của Google để qua mặt các hệ thống bảo vệ email, khiến người dùng khó phát hiện. Các chuyên gia an ninh mạng từ KnowBe4 đã phát đi cảnh báo khẩn cấp về chiêu trò nguy hiểm này.

Theo cảnh báo từ KnowBe4, tội phạm mạng đang khai thác nền tảng Google AppSheet – một công cụ phát triển ứng dụng không cần mã – để phát tán hàng loạt email lừa đảo. Nhờ được gửi từ địa chỉ hợp pháp “@appsheet.com” của Google, các email này dễ dàng vượt qua các cơ chế xác thực tên miền như SPF, DKIM và DMARC, cũng như các cổng bảo mật email (SEG) của Microsoft. Điều này cho phép thư lừa đảo xuất hiện trực tiếp trong hộp thư đến của người dùng mà không bị đánh dấu là nguy hiểm.

Đáng chú ý, mỗi email được tạo với một mã ID riêng biệt, khiến các hệ thống phát hiện truyền thống khó nhận diện và ngăn chặn.

Nội dung email giả mạo thông báo từ Facebook, cáo buộc người dùng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cảnh báo tài khoản sẽ bị xóa trong vòng 24 giờ. Kèm theo đó là nút “Submit an Appeal” (Gửi đơn kháng nghị) để tạo cảm giác cấp bách. Khi người dùng bấm vào, họ sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo giao diện đăng nhập Facebook, được lưu trữ trên nền tảng Vercel – vốn là một dịch vụ uy tín chuyên lưu trữ các ứng dụng web hiện đại. Điều này càng khiến chiến dịch lừa đảo trở nên thuyết phục hơn.

Tại trang giả mạo, nếu nạn nhân nhập tên đăng nhập và mã xác thực hai yếu tố (2FA), toàn bộ thông tin sẽ bị chuyển thẳng đến tay kẻ tấn công. Thủ đoạn còn tinh vi hơn khi lần đăng nhập đầu tiên cố tình báo “sai mật khẩu” để buộc người dùng nhập lại, nhằm xác minh tính chính xác của thông tin.

Nguy hiểm hơn, mã 2FA sau khi bị đánh cắp sẽ được tin tặc sử dụng ngay lập tức để đăng nhập vào Facebook và chiếm quyền kiểm soát tài khoản. Chúng còn lấy được mã phiên đăng nhập (session token) – cho phép duy trì quyền truy cập ngay cả khi người dùng đã đổi mật khẩu.

Người dùng được khuyến cáo nâng cao cảnh giác trước các email yêu cầu hành động khẩn cấp hoặc cung cấp thông tin cá nhân, kể cả khi chúng có vẻ được gửi từ các nguồn uy tín. Chuyên gia an ninh mạng nhấn mạnh: luôn kiểm tra cẩn thận địa chỉ người gửi, không vội nhấp vào liên kết đáng ngờ và tuyệt đối không nhập thông tin đăng nhập nếu không chắc chắn về tính xác thực của trang web.

Từ ngày 22/5, người dân đã có thể thực hiện điều này trên ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Mới đây, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) chính thức công bố thí điểm Cổng ký số tập trung trên nền tảng ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược số hóa hành chính, hỗ trợ người dân ký số các tài liệu, hợp đồng điện tử một cách nhanh chóng và an toàn.

Tính năng mới cho phép người dùng VNeID đăng ký chứng thư chữ ký số, theo dõi lịch sử ký cũng như xem lại các chứng thư đã ký. Để sử dụng, người dân chỉ cần vào mục “Nhóm dịch vụ”, chọn “Dịch vụ khác” rồi truy cập vào biểu tượng “Chứng thư chữ ký số” trên giao diện chính của ứng dụng VNeID.

Cổng ký số này là một phần thuộc hệ thống RS-HUB – nền tảng ký số tập trung do Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR) phát triển, phối hợp cùng các nhà cung cấp dịch vụ và đơn vị phần mềm trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, y tế.

Tính năng mới cho phép người dùng VNeID đăng ký chứng thư chữ ký số, theo dõi lịch sử ký cũng như xem lại các chứng thư đã ký.

Theo đại tá Ngô Như Cường, nền tảng RS-HUB không chỉ tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai chữ ký số hiện tại mà còn đóng vai trò là hạ tầng quan trọng giúp đồng bộ hóa các hoạt động chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc. Việc triển khai trong năm 2025 được xem là bước đi mang tính chiến lược nhằm hiện thực hóa Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặt mục tiêu 100% các giao dịch công dân số phải được định danh, ký số và xác thực.

Hiện hệ thống đã kết nối kỹ thuật thành công với 5 nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng lớn gồm VNPT, Viettel, MISA, Nacencomm và Softdreams. Các đơn vị khác như FPT và BKAV cũng đang trong quá trình hoàn tất kết nối. Trong lĩnh vực ngân hàng, Vietcombank đã tích hợp ký số trong hầu hết quy trình nghiệp vụ; BIDV triển khai trong ứng dụng vay mua nhà; PVCombank áp dụng trong giải ngân. Ngành y tế cũng bắt đầu vào cuộc, với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là đơn vị đầu tiên thí điểm ký số trong quy trình khám chữa bệnh.

Các chuyên gia nhận định, việc triển khai Cổng ký số tập trung không chỉ là bước tiến công nghệ mà còn là chất xúc tác thúc đẩy kinh tế vĩ mô, giảm chi phí vận hành, nâng cao năng suất và hình thành một hệ sinh thái số toàn diện, hiệu quả. Đây cũng là tiền đề quan trọng để người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cùng chuyển mình theo hướng số hóa một cách đồng bộ, bền vững.

Nguồn: Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội