Kho dữ liệu chứa 16 tỷ thông tin đăng nhập, trong đó có nhiều tài khoản Google, Apple, Facebook, đã bị lộ.
Nhóm nghiên cứu bảo mật Cybernews đã điều tra vụ rò rỉ từ đầu năm và phát hiện 30 tập dữ liệu, mỗi tập chứa từ vài chục triệu đến hơn 3,5 tỷ hồ sơ bị phát tán, trở thành một trong những vụ rò rỉ lớn nhất lịch sử Internet từng được ghi nhận. Nhiều dữ liệu bị lộ chưa từng được báo cáo trước đó, trừ một tập gồm 184 triệu hồ sơ mà một nhà nghiên cứu bảo mật phát hiện cuối tháng 5.
Ảnh: Reuters
“Với hơn 16 tỷ hồ sơ đăng nhập bị lộ, tội phạm mạng đang có quyền truy cập thông tin cá nhân lớn chưa từng thấy, có thể dùng để chiếm tài khoản, đánh cắp danh tính và lừa đảo nhắm mục tiêu. Điều đáng lo là cấu trúc và tính mới của các tập dữ liệu, chúng không phải thông tin rò rỉ cũ được ‘tái chế’. Đây là thông tin mới, có thể ‘vũ khí hóa’ ở quy mô lớn”, nhóm nghiên cứu tại Cybernews cho biết.
Cứ vài tuần, những tập dữ liệu khổng lồ mới lại xuất hiện, cho thấy mức độ phổ biến của phần mềm đánh cắp thông tin. Tất cả xuất hiện trong thời gian ngắn – đủ lâu để nhóm nghiên cứu phát hiện, nhưng không đủ để tìm ra ai đang kiểm soát chúng.
Các nhà nghiên cứu cho biết rất khó so sánh thông tin trong mỗi tập dữ liệu, nhưng nhận thấy một số hồ sơ bị chồng lấn. Điều này đồng nghĩa, họ không rõ chính xác có bao nhiêu người hay tài khoản thực sự bị lộ. Hầu hết thông tin đều tuân theo một cấu trúc rõ ràng: URL, theo sau là thông tin đăng nhập và mật khẩu. Đa số phần mềm đánh cắp thông tin hiện đại cũng thu thập dữ liệu theo cách này.
Nội dung trong các tập dữ liệu bị rò rỉ cho phép truy cập gần như mọi dịch vụ trực tuyến, từ Apple, Facebook, Google, đến GitHub, Telegram và nhiều dịch vụ công. Theo nhóm nghiên cứu, rò rỉ thông tin đăng nhập ở quy mô này sẽ thúc đẩy các chiến dịch lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản, xâm nhập phần mềm tống tiền và xâm phạm email doanh nghiệp.
Những đợt lộ thông tin lớn đang trở nên phổ biến hơn. Tuần trước, một vụ rò rỉ dữ liệu xảy ra tại Trung Quốc với hàng tỷ tài liệu chứa thông tin tài chính, WeChat, Alipay và dữ liệu cá nhân nhạy cảm khác. Hè năm ngoái, tập hợp mật khẩu lớn nhất với gần 10 tỷ mật khẩu, mang tên RockYou2024, bị lộ trên một diễn đàn hacker. Đầu năm 2024, nhóm nghiên cứu Cybernews phát hiện vụ rò rỉ dữ liệu quy mô nhất lịch sử với 26 tỷ hồ sơ.
Vừa trộn xong mẻ vữa, anh Toản điếng người nghe vợ báo tin số tiền 600 triệu đồng chuẩn bị cho con trai đi du học, bị lừa mất sạch.
Ba ngày trước, con trai út tên Thành Đạt, 19 tuổi, nhận cuộc gọi từ một người xưng là “công an Hà Nội”, thông báo cậu liên quan đến đường dây rửa tiền xuyên quốc gia.
Giọng “anh công an” rất nghiêm nghị, đọc rành rọt mọi thông tin cá nhân của Đạt. Sau đó, hình ảnh công văn điều tra và ảnh tang vật và cả một nhóm người bị tạm giam cùng với “lệnh bắt giữ” khiến cậu bủn rủn tay chân.
“Chúng bảo nếu em nói với ai, kể cả với người nhà sẽ bị bắt ngay để không làm lộ quá trình điều tra. Lúc đó em hoảng loạn, không nghĩ được gì”, Đạt kể. Khi cậu cố gắng thanh minh, đối tượng trấn an: “Chúng tôi tin em vô tội, nhưng phải chứng minh điều đó”. Kẻ lừa đảo nói Đạt phải chuyển 600 triệu đồng cho “cơ quan điều tra”, sẽ hoàn trả sau hai, ba ngày.
Khi Đạt nói không có tiền, chúng tấn công vào điểm yếu “nếu bố mẹ biết chuyện này sẽ lo lắng, hoảng loạn và khiến sự việc rắc rối thêm”. Một kịch bản được đưa ra: “Hãy nói được học bổng du học, cần 600 triệu để chứng minh tài chính”.
Thanh niên 19 tuổi nghe theo.
Nghe con trai báo tin được học bổng du học, vợ chồng anh Toản tin tuyệt đối. Trong ba ngày, họ vay mượn đủ 600 triệu đồng, chuyển hết cho Đạt.
Nam sinh được hướng dẫn rút tiền mặt, mang đến một quán cà phê giao cho “điều tra viên”. Việc trao tiền trực tiếp, không phải nhấp vào đường link, hay nhập mã OTP, khiến Đạt tin hơn.
Ba ngày trôi qua vẫn không thấy tiền về, số điện thoại của “điều tra viên” không thể liên lạc được. Lúc này Đạt mới bừng tỉnh.
“Mẹ ơi, con bị lừa rồi”, nam sinh khóc nức nở qua điện thoại, thú nhận với mẹ trong buổi sáng giữa tháng 5/2025.
Thành Đạt, 19 tuổi, sau cú lừa đảo mất 600 triệu đồng. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang bùng nổ với quy mô và thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Năm 2024, người Việt mất gần 19.000 tỷ đồng vì các cú lừa online, theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.
Cổng cảnh báo an toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng ghi nhận hơn 22.000 phản ánh trong 9 tháng đầu năm 2024, trong đó 80% liên quan lừa đảo tài chính.
Nhưng con số này, theo các chuyên gia, chỉ là phần nổi của tảng băng.
“Rất nhiều người không báo cáo vì xấu hổ, sợ bị đánh giá, chấp nhận mất tiền và nghĩ đó là một khoản ‘học phí’ cho sự thiếu hiểu biết”, tiến sĩ Bùi Thị Liên, chuyên gia Tâm lý học tội phạm, Học viện An ninh nhân dân, nói.
Lừa đảo online đã trở thành một ngành công nghiệp ngầm, có tổ chức, nhân công, có những người nghiên cứu các quy luật tâm lý, xã hội, liên tục cập nhật xu hướng, chính sách mới để sáng tạo kịch bản lừa đảo.
Nhiều người thắc mắc “Vì sao những kịch bản lừa đảo nghe quá vô lý mà nạn nhân vẫn răm rắp làm theo?”. Ẩn sau mỗi vụ lừa là cả một chuỗi những hành vi thao túng tâm lý (psychological manipulation) được dàn dựng công phu mà các đối tượng giăng bẫy săn mồi, chuyên gia tâm lý học tội phạm đưa ra nhận định.
Theo tiến sĩ Liên, có 5 điểm yếu tâm lý phổ biến mà các thủ phạm thường khai thác. Đầu tiên, chúng đánh vào nỗi sợhãi.
Hầu hết đều sợ bị vướng vào lao lý, sợ làm cha mẹ buồn, sợ mất thể diện, mất tiền. Một cú điện thoại xưng là công an, một lệnh bắt có dấu đỏ, vài bức ảnh đồng phạm bị tạm giam đã có thể khiến người ở đầu dây bên kia mất kiểm soát.
Tiếp theo, những kẻ lừa đảo sẽ đánh vào cảm giác tội lỗi. “Ai cũng biết quy định này, sao chị lại không?”, “Kiến thức pháp luật của anh/chị như thế à?”. Những câu nói có tính thao túng này khiến nạn nhân hoang mang, rối trí vì cảm thấy mình yếu kém, từ đó dễ bị dẫn dụ.
Trong một số trường hợp, chúng đánh vào tâm lý khát khao được quan tâm, chia sẻ của mỗi người. Bằng những lời thủ thỉ, săn sóc như thể bạn là người đặc biệt, các đối tượng sẽ tạo ra một điểm tựa tâm lý vô hình khiến các nạn nhân tin tưởng và phụ thuộc. Một vài ngày nhắn tin quan tâm, rồi đưa ra một cơ hội đầu tư sinh lời. Những người đang cô đơn cứ tưởng đây là tình yêu đích thực nhưng thực tế là cái bẫy được giăng sẵn.
Chúng lợi dụng điểm yếu của con người trong các tình huống khẩn cấp. Bằng cách dựng nên nhữngtình huốngnhư con bị tai nạn, bố đang cấp cứu, tài khoản sắp bị khóa các đối tượng đưa ra những lựa chọn buộc nạn nhân phải hành động ngay lập tức. Việc tạo cảm giác khẩn cấp, với các câu nói dẫn dắt có chủ đích khiến nạn nhân không có thời gian suy nghĩ, mất khả năng tỉnh táo, phòng bị.
Và cuối cùng, chúng đánh vào lòng tham. Qua vài lần thành công đầu tiên mang lại lợi nhuận nhỏ, chúng xây dựng lòng tin, kích thích lòng tham. Mỗi lần đầu tư sau đó sẽ lớn hơn, tham vọng thu hồi số tiền đã mất cũng mạnh hơn và nạn nhân chỉ dừng lại khi không còn vay mượn được ai nữa.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết gần như tuần nào cũng tiếp nhận những vụ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng. Không ít nạn nhân là người có trình độ học thức, địa vị xã hội.
Một số nạn nhân thậm chí mù quáng bào chữa cho kẻ lừa đảo, bất chấp cảnh báo từ người thân. Đầu tháng 6/2025, gia đình anh Thanh Bình, ở Hà Nội phát hiện em gái vay mượn khắp nơi. Khi hỏi ra, cô đã chuyển cho bạn trai qua mạng gần 300 triệu đồng.
“Em tôi ly thân đã lâu. Tháng 4 nó nhập viện, nằm một mình nên bắt đầu nhắn tin với mấy người lạ trên mạng”, anh kể. Từ vài tin nhắn an ủi, mối quan hệ nhanh chóng chuyển sang những lời yêu đương, hứa hẹn, hợp tác đầu tư.
Mặc dù cho gia đình khuyên nhủ, thậm chí bị kẻ lừa đảo chặn số, em gái anh vẫn nhắn tin yêu đương với thủ phạm. “Khi tôi hỏi: “Giờ chồng ly hôn, giành quyền nuôi con thì sao?”. Nó vẫn ngu muội trả lời: “Anh ấy (kẻ lừa đảo) hứa tháng sau sẽ về đón em'”, anh Bình kể.
Các kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp và biến thiên khôn lường, dù vậy, theo tiến sĩ Liên, quá trình thao túng nạn nhânthường qua bốn bước chính.
Đầu tiên, cung cấp thông tin gây sốc khiến nạn nhân sợ hãi, kèm theo thông tin cá nhân và giấy tờ pháp lý để thu phục lòng tin. Thứ hai, cô lập bằng cách cấm chia sẻ thông tin. Thứ ba, gieo lo sợ cực độ, khiến nạn nhân tự thêu dệt kịch bản xấu nhất. Và cuối cùng, ra lệnh điều khiển hành vi, lấy tiền và biến mất.
Hậu quả không chỉ là mất tiền. Nhiều nạn nhân suy sụp tinh thần, mất kiểm soát hành vi, thậm chí vi phạm pháp luật, tự tử.
Luật sư Cường nhấn mạnh vai trò của các nhà mạng, nền tảng số và đơn vị trung gian thanh toán; chuyên tâm lý, xã hội trong việc tham gia nghiên cứu về loại tội phạm này và đi trước chúng một bước. Đặc biệt, rất cần thiết người dân báo cáo sự việc để các cơ quan chức năng có cơ sở phát hiện và xử lý.
Với người dân, không ai có thể nói chắc mình không là nạn nhân. Vì vậy, phải cập nhật kiến thức công nghệ, hiểu biết pháp luật, theo dõi các thủ đoạn lừa đảo mới qua nguồn tin chính thống. Tuyệt đối không tin vào món hời, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP hay mật khẩu. Khi đã mất tiền, không nghe theo lời mời lấy lại.
Trên thực tế, cùng một kịch bản nhưng có người bị lừa, có người không.
Tiến sĩ Liên cho biết sau quá trình giăng bẫy, các đối tượng lừa đảo sẽ nhìn ra những dấu hiệu cho thấy “con mồi” đang có xu hướng đi tiếp hay không, ví dụ tỏ ra quan tâm, sốt ruột, lo lắng hoặc giọng nói bộc lộ sự sợ hãi, thiếu ổn định.
Người bị lừa thường có tâm lý yếu, nhẹ dạ, cả tin, thương người hoặc thiếu hiểu biết. Khi bị cuốn vào cuộc trò chuyện, thủ phạm sẽ sử dụng một số kỹ thuật trong tâm lý, ví dụ đưa ra các lựa chọn có tính định hướng cao khiến nạn nhân buộc phải chọn, giọng nói cứng rắn, thể hiện uy quyền, đe dọa, mệnh lệnh đưa ra quyết liệt, gấp gáp, phủ đầu. Dần dần, cuộc gọi điện như gọng kìm siết chặt, điều khiển nạn nhân hành động theo mệnh lệnh mà không có sự phản ứng hoặc không dám phản ứng.
“Vì thế, nếu gặp phải tình huống không liên quan hay có dấu hiệu đáng ngờ, người dân tốt nhất không tương tác. Nói thêm sẽ có nguy cơ bị lộ điểm yếu”, tiến sĩ Liên nói. “Hơn nữa, nguyên tắc đầu tiên trong thời đại số là phải biết trì hoãn, không đưa ra quyết định vội vàng“.
Gần một tháng nay, vợ chồng anh Toản lao đao vì khoản nợ 300 triệu đồng. Mùa mưa bão sắp đến, công việc thợ xây sẽ ít, gánh nặng trả nợ càng chồng chất.
“Con dại cái mang, giờ cả nhà phải cùng nhau gồng gánh”, người cha chua xót nói.
Hai hộ kinh doanh tại Saigon Square vừa bị xử phạt vì bán ví, túi xách và áo thun giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, ngày 13/6, tổ công tác nghiệp vụ của đơn vị tiếp tục kiểm tra hoạt động kinh doanh tại Saigon Square (quận 1, TP HCM).
Trong quá trình kiểm tra, nhà chức trách phát hiện hai kiot 47T-49T và 3B+9D bày bán hàng giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Tại kiot 47T-49T của bà Ngô Thị Hằng Nga, nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu Hermes, Chanel, Gucci, Louis Vuitton được niêm yết giá chỉ từ 150.000 đến 380.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với giá chính hãng.
Túi xách giả mạo thương hiệu tại cửa hàng tại Saigon Square. Ảnh: Quản lý thị trường
Tương tự, tại ki-ốt 3B+9D của bà Võ Thị Kiều Oanh, các mẫu áo thun mang nhãn Lacoste, Boss, Polo cũng chỉ có giá 100.000-150.000 đồng mỗi chiếc. Toàn bộ gần 400 sản phẩm tại hai ki-ốt này đã bị lập biên bản tạm giữ để xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 29/5, sáu tổ công tác của Cục đã kiểm tra diện rộng tại Saigon Square, thu giữ hàng nghìn sản phẩm như túi xách, ví, đồng hồ, kính mắt… giả mạo thương hiệu nổi tiếng. Một số hộ kinh doanh cố gắng đóng cửa gian hàng để né tránh nhưng vẫn bị phát hiện vi phạm.
Nhiều tiểu thương tại Saigon Square đóng cửa vì lo kiểm tra. Ảnh: Quản lý thị trường
Theo lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục giám sát các điểm nóng về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ. Song song đó, lực lượng cũng tuyên truyền, vận động tiểu thương chuyển sang kinh doanh hàng hợp pháp, góp phần xây dựng hình ảnh môi trường mua sắm văn minh, đáng tin cậy tại TP HCM.
Đợt kiểm tra nằm trong kế hoạch thực hiện Công điện 65 và Chỉ thị 13 của Thủ tướng về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên toàn quốc.
Từ đầu năm, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó, hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 25.100 vụ gian lận thương mại, thuế và khoảng 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ. Các cơ quan xử phạt, thu nộp ngân sách hơn 4.897 tỷ đồng, khởi tố hình sự gần 1.400 vụ.
Ứng dụng AI trong nhiều tòa soạn báo ở Việt Nam được đánh giá còn tự phát, manh mún, thiếu chiến lược tổng thể để giải quyết những thách thức sinh tử.
Tại Hội thảo AI và chiến lược chuyển đổi số của các tòa soạn báo Việt Nam sáng 20/6 ở Hà Nội, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), nhận định: “Ứng dụng AI trong báo chí Việt Nam hiện vẫn manh mún và thiếu tầm nhìn dài hạn”.
Theo khảo sát của IPS năm 2024, 64,6% cơ quan báo chí trong nước đã bắt đầu ứng dụng AI, tăng gấp đôi so với mức 27,3% của năm trước đó. Tuy nhiên, chỉ dưới 10 tòa soạn có chính sách về sử dụng AI, và đa phần mới ứng dụng ở khâu sản xuất nội dung như gợi ý tiêu đề, kiểm tra chính tả, tạo hình minh họa… Trong khi đó, các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá như nghiên cứu độc giả, phát triển kinh doanh lại ít được đầu tư.
Viện trưởng IPS Nguyễn Quang Đồng tại Hội báo 2025. Ảnh: Trọng Đạt
“Chúng ta đang đặt trọng tâm sai. AI đang được các tòa soạn Việt Nam dùng để hỗ trợ sản xuất bài viết, thay vì giải quyết bài toán về mô hình kinh doanh, trải nghiệm độc giả, giữ chân người đọc – những yếu tố sống còn của báo chí”, ông Đồng nói. Theo ông, điều nguy hiểm là nhiều tòa soạn sa đà vào việc áp dụng AI như các công cụ hỗ trợ cá nhân nhà báo, thay vì tiếp cận từ góc độ tổ chức với chiến lược bài bản.
Ghi nhận của IPS cho thấy phần lớn tòa soạn không đủ nguồn lực tài chính, nhân sự để đầu tư AI một cách nghiêm túc. Nhiều nơi chỉ sử dụng công cụ miễn phí như ChatGPT, Gemini, với ngân sách dưới một triệu đồng. “Với mức đầu tư như vậy, không thể gọi là ứng dụng AI ở cấp độ tòa soạn được”, ông Đồng nhận xét. “VnExpress và VnEconomy là những ví dụ hiếm hoi về việc ứng dụng AI bài bản ở cấp độ tòa soạn”.
VnExpress đã đẩy mạnh, tối ưu hóa việc ứng dụng thuật toán công nghệ và AI ở phần lớn khâu nội dung từ tác nghiệp của phóng viên, biên tập, sản xuất nội dung đến các sản phẩm nội dung độc quyền đa phương tiện.
Trong đó, một số ứng dụng nổi bật như thuật toán sắp xếp nội dung trang chủ theo nguyên tắc cá nhân hóa một phần, đảm bảo độc giả dễ tiếp cận tin chưa đọc ở vị trí thuận tiện nhất. Podcast Generation cung cấp công cụ sản xuất chương trình Điểm tin Podcast, thay thế 70% sức người bằng công nghệ, sản xuất 3 điểm tin mỗi ngày. Ứng dụng Robot Journalism tham gia viết bài tổng hợp thị trường chứng khoán, bản tin tổng hợp thể thao, trắc nghiệm. Translation AI giúp chuyển ngữ bài tiếng Việt sang tiếng Anh.
Chuyên mục Điểm tin Podcast trên VnExpress với giọng đọc AI. Ảnh: Lưu Quý
Tòa soạn cũng triển khai Personalization – tính năng MyVnE cho phép độc giả đăng nhập tùy chỉnh chuyên mục, chủ đề theo nhu cầu; hay tính năng đọc nhanh – sử dụng công nghệ AI tóm tắt tin tức cho độc giả bằng văn bản và giọng nói.
Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng AI, Tổng thư ký tạp chí VnEconomy Đào Quang Bính cho hay việc đầu tiên tòa soạn nghĩ đến là phát triển công cụ dịch cho tạp chí phiên bản tiếng Anh.
Theo ông, báo đã tự phát triển AI dịch song ngữ Anh – Việt về nội dung kinh tế, với độ chính xác 95%. “Bài báo tiếng Việt chuyển sang tiếng Anh chỉ mất hai phút, biên tập viên chỉnh sửa thêm 5-10 phút, và gần như không phải hiệu đính. Chúng tôi đã áp dụng công cụ này được 8 tháng, giúp tăng năng suất cả chục lần”, ông nói.
Tòa soạn này cũng phát triển trợ lý ảo Askonomy. Người trả tiền đọc báo được cấp quyền truy cập trợ lý ảo. Khi người dùng đặt câu hỏi, Askonomy đưa ra câu trả lời cụ thể, dựa trên nguồn nội dung dữ liệu là các bài viết đăng trên tạp chí.
Viện IPS đánh giá tương lai của báo chí sẽ ngày càng thách thức khi độc giả chuyển từ truy cập qua công cụ tìm kiếm sang dùng chatbot AI để lấy thông tin, khiến báo chí ít được “ghé qua” như trước. Nguồn thu quảng cáo sẽ giảm theo. Vì vậy, AI cần được nhìn nhận như một công cụ để giải bài toán mô hình kinh doanh, thay vì chỉ là công cụ hỗ trợ sản xuất nội dung.
Theo Viện trưởng, các cơ quan báo chí nên tiếp cận AI một cách tổng thể và có chiến lược. Trong đó, cần dùng AI để tác động đến chiến lược thu hút, giữ chân độc giả và tạo nguồn thu bởi đây mới là điều sống còn đối với các tòa soạn. Để làm như vậy, tòa soạn cần có tư duy, lộ trình đầu tư cho công nghệ, đồng thời cũng cần có bộ quy tắc ứng xử, hướng dẫn phóng viên, biên tập viên dùng AI có trách nhiệm và an toàn.
Sau một tháng cao điểm kiểm tra hàng hoá trên cả nước, lực lượng quản lý thị trường xử lý 3.114 vụ vi phạm, tổng giá trị xử lý hơn 63 tỷ đồng.
Chiến dịch được phát động từ 15/5 đến 15/6 theo chỉ đạo của Thủ tướng, do Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chủ trì. Trong thời gian này, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 3.891 vụ việc, xử lý hơn 3.100 vụ vi phạm. Trong đó, số tiền xử phạt hành chính vượt 32 tỷ đồng, hàng hóa vi phạm bị tịch thu trị giá gần 31 tỷ đồng, và tổng số tiền nộp ngân sách đạt gần 36 tỷ đồng.
Trong đó, 26 vụ có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cho cơ quan điều tra, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quản lý thị trường kiểm tra hàng giả tại các trung tâm thương mại. Ảnh: Quản lý thị trường
Hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 1.580 vụ, tương đương 52% tổng số, số tiền xử phạt 16 tỷ đồng. Tiếp theo là nhóm buôn lậu với 648 vụ, chiếm hơn 21%, xử phạt hơn 6 tỷ đồng.
Một số nhóm hàng nhạy cảm như thuốc, thực phẩm chức năng tiếp tục được giám sát chặt. Riêng nhóm này, từ năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý gần 1.000 vụ, trong đó có 783 vụ liên quan đến sữa vi phạm.
Nhiều vụ việc nổi cộm được phát hiện trong đợt cao điểm như: tạm giữ hơn 500 sản phẩm giả mạo thương hiệu tại trung tâm Đà Nẵng; phát hiện cơ sở sản xuất tất giả tại La Phù, Hà Nội; thu giữ hàng nghìn sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng tại Saigon Square, TP HCM. Gần đây nhất, ngày 9/6, lực lượng chức năng kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại Hà Nội và phát hiện 3.500 sản phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, cho thấy sự tinh vi trong việc trà trộn hàng giả với hàng thật.
Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kết hợp công nghệ số và dữ liệu liên thông để giám sát thị trường hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ triển khai các chương trình tuyên truyền, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật.
“Chúng tôi cam kết hành động mạnh mẽ, đồng bộ và linh hoạt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh”, ông Linh nói.
Nhật Bản – nền kinh tế số 4 thế giới (theo IMF) công bố kế hoạch xây dựng nhà máy bán dẫn kim cương đầu tiên trên thế giới.
Theo The Japan Times, khi công tác tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nơi từng xảy ra sự cố tan chảy lõi lò phản ứng – bước vào giai đoạn then chốt để loại bỏ các mảnh vụn hạt nhân bị nóng chảy, công nghệ bán dẫn kim cương được chú ý vì khả năng chịu đựng bức xạ hạt nhân cực mạnh.
Ookuma Diamond Device, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Sapporo, đã chọn công tác tháo dỡ này làm cơ hội để hiện thực hóa ứng dụng thực tiễn đầu tiên trên thế giới của chip kim cương. Công ty dự kiến sẽ đưa chip này vào ứng dụng thực tế trong năm tài khóa 2026, sau khi bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất tại thị trấn Okuma thuộc tỉnh Fukushima – nơi đặt nhà máy của Tập đoàn Điện lực Tokyo (Tepco) trong tháng 3/2025.
Đây là nhà máy sản xuất chất bán dẫn kim cương đầu tiên trên thế giới. Theo đó, công ty này trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới thiết lập quy trình sản xuất khép kín cho chất bán dẫn kim cương, từ thiết kế đế vật liệu đến lắp ráp mạch khuếch đại thành phẩm.
Nhà máy nằm tại Khu công nghiệp Trung tâm Okuma, có cấu trúc thép 2 tầng với diện tích đất khoảng 5.800 m² và diện tích xây dựng 1.100 m². Dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2026, cơ sở sẽ sản xuất hàng chục nghìn thiết bị bán dẫn mỗi năm.
Nhà máy tập trung phát triển bộ khuếch đại bán dẫn kim cương cho Hệ thống Giám sát Gần tới Giới hạn, dùng để đo liều lượng neutron trong lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi đang được tháo dỡ. Ngoài ra, bán dẫn kim cương còn nhắm đến các ứng dụng trong vũ trụ, truyền thông 6G.
The Government of Japan cho biết, nhờ những tiến bộ trong vật liệu bán dẫn analog, một công ty Nhật Bản đang tiến gần đến việc đưa chất bán dẫn kim cương, được ca ngợi là “chất bán dẫn tối thượng” vào ứng dụng thực tế lần đầu tiên.
Ngoài các chất bán dẫn phổ biến được dùng trong máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và các thiết bị xử lý thông tin để tính toán và lưu trữ dữ liệu, còn có một nhóm chất bán dẫn khác được sử dụng để khuếch đại, chuyển đổi và truyền tín hiệu liên quan đến các hiện tượng vật lý như điện, nhiệt, ánh sáng và truyền thông.
Những chất bán dẫn này được gọi là chất bán dẫn analog vì khả năng xử lý các tín hiệu liên tục biến đổi. Vai trò của chúng ngày càng quan trọng, đặc biệt trong các thiết bị như cảm biến, thiết bị truyền thông và ô tô. Nhu cầu phát triển các chất bán dẫn analog hiệu năng cao đang gia tăng mạnh mẽ, thúc đẩy bởi sự bùng nổ dữ liệu từ trí tuệ nhân tạo sinh và xe tự lái, cũng như các ứng dụng trong truyền thông vệ tinh và những môi trường khắc nghiệt.
Đặc biệt triển vọng trong lĩnh vực này là chất bán dẫn kim cương, được sản xuất từ kim cương nhân tạo tổng hợp từ khí methane – một khí nhà kính có tác động lớn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, chỉ đứng sau carbon dioxide. So với vật liệu truyền thống như silicon hay gallium nitride, chất bán dẫn kim cương sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội: dẫn nhiệt cao, hiệu suất tần số cao tốt hơn, tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là khả năng chịu nhiệt độ cao và bức xạ mạnh.
Từ những năm 1980, giới nghiên cứu đã nỗ lực phát triển chất bán dẫn kim cương, nhưng gặp nhiều rào cản kỹ thuật và thiếu thị trường tiêu thụ, khiến việc thương mại hóa chưa khả thi. Tuy nhiên, bước ngoặt đã xảy ra khi Công ty Ookuma Diamond Device — một startup do Đại học Hokkaido và Viện Khoa học & Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia Nhật Bản (AIST) đồng sáng lập — phát triển thành công thiết bị nguyên mẫu đầu tiên.
Từng được ca ngợi là phương thức bảo mật lý tưởng, Touch ID – công nghệ mở khóa bằng dấu vân tay – đang bộc lộ nhiều hạn chế nghiêm trọng về mặt an toàn thông tin.
Tính năng mở khóa điện thoại bằng vân tay (Touch ID) từ lâu đã trở nên phổ biến nhờ sự tiện lợi và tốc độ xử lý nhanh chóng. Nhiều người tin rằng vì dấu vân tay là đặc điểm sinh trắc học độc nhất của mỗi cá nhân, nên đây là “chìa khóa” bảo mật tuyệt đối. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo rằng niềm tin này có thể là sai lầm. Trang AVG đã chỉ ra hai lý do then chốt khiến người dùng nên cân nhắc lại mức độ an toàn của công nghệ nhận diện vân tay khi sử dụng để bảo vệ thiết bị cá nhân.
Dấu vân tay có thể bị hack
Khác với mật khẩu truyền thống vốn chỉ tồn tại trong trí nhớ người dùng, dấu vân tay – một dạng sinh trắc học – lại hiện diện ở khắp nơi trong đời sống hàng ngày: trên tay nắm cửa, ly uống nước, bàn làm việc, và cả trên màn hình điện thoại cảm ứng. Nói cách khác, “mật khẩu” tưởng như bất khả xâm phạm này thực chất có thể bị thu thập một cách dễ dàng từ môi trường xung quanh.
Việc tái tạo dấu vân tay từ những dấu vết để lại không còn là giả thuyết. Trên thực tế, điều này đã được các chuyên gia bảo mật chứng minh từ nhiều năm trước. Năm 2008, Câu lạc bộ Chaos Computer Club từng gây chấn động khi tái tạo thành công dấu vân tay của một người chỉ từ một bức ảnh chụp. Đến năm 2013, họ tiếp tục chế tạo một ngón tay giả bằng cao su để qua mặt cảm biến và mở khóa thiết bị. Gần đây, các thủ thuật tương tự thậm chí có thể thực hiện với những vật liệu đơn giản như bột nặn hoặc keo dán, cho thấy việc tạo bản sao vân tay vật lý đang ngày càng trở nên dễ dàng.
Không dừng lại ở đó, dấu vân tay còn có thể bị đánh cắp trong môi trường số. Tại hội nghị bảo mật Black Hat năm 2015, các chuyên gia an ninh mạng đã trình diễn hàng loạt phương thức tấn công vào hệ thống xác thực vân tay. Họ tạo ra ứng dụng giả mạo màn hình mở khóa để đánh lừa người dùng, đồng thời tự động phê duyệt các giao dịch tài chính. Họ cũng khai thác các tệp dữ liệu lưu trữ vân tay trên thiết bị để tái tạo ảnh vân tay gốc, hoặc tấn công trực tiếp vào cảm biến để trích xuất dữ liệu mỗi lần người dùng thao tác.
Năm 2020, lỗ hổng bảo mật trên Apple Touch ID đã bị khai thác để tấn công tài khoản iCloud của người dùng. Sau sự cố này, Apple đã phải nhanh chóng phát hành bản vá lỗi bảo mật (Ảnh: Shutterstock)
Người dùng không thể thay đổi dấu vân tay khi đã bị lộ
Khác với mật khẩu có thể thay đổi dễ dàng sau khi bị lộ, dấu vân tay là đặc điểm sinh trắc học cố định và không thể thay thế. Một khi bị đánh cắp, dữ liệu này có thể được kẻ xấu sử dụng bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu có hệ thống xác thực bằng vân tay. Nguy hiểm hơn, thông tin vân tay có thể bị rao bán hoặc trao đổi trên thị trường chợ đen, khiến người dùng đối mặt với nguy cơ mất an toàn dữ liệu lâu dài và khó kiểm soát. Mối lo này càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh ngày càng nhiều tổ chức, từ cơ quan chính phủ đến ngân hàng và ứng dụng thanh toán, sử dụng vân tay làm công cụ xác thực danh tính.
Mặc dù nhiều người coi việc mở khóa điện thoại bằng vân tay là một giải pháp bảo mật tiện lợi và tin rằng tính độc nhất của dấu vân tay sẽ mang lại sự an toàn tuyệt đối, nhưng các chuyên gia an ninh thông tin lại không đồng tình với quan điểm này. Họ cảnh báo rằng, phương thức mở khóa bằng vân tay không phải là bảo mật toàn diện và vẫn tồn tại những lỗ hổng cố hữu.
Dù thông tin vân tay thường được lưu trữ trong một mô-đun bảo mật chuyên biệt trên điện thoại, thiết kế để chỉ chủ sở hữu mới có thể truy cập, nhưng mô-đun này vẫn có thể trở thành mục tiêu của những kẻ tấn công. Trong một tình huống đơn giản hơn, nếu điện thoại của bạn để trên bàn khi bạn đang ngủ hoặc không để ý, kẻ gian vẫn có thể dễ dàng sử dụng ngón tay của bạn (nếu cảm biến vẫn hoạt động) để mở khóa thiết bị mà không cần mật khẩu. Rõ ràng, trong những trường hợp như vậy, việc yêu cầu nhập mật khẩu số hoặc ký tự vẫn an toàn hơn nhiều so với phương pháp bảo mật bằng vân tay.
Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo về một hình thức lừa đảo trực tuyến mới, được triển khai thông qua một hành vi phổ biến của người dùng Internet.
Một hình thức lừa đảo trực tuyến mới – tinh vi và khó phát hiện – đang khiến các chuyên gia an ninh mạng và giới chức ở nhiều quốc gia lo ngại. Chiêu thức này được gọi là tabnabbing, lợi dụng thói quen mở nhiều tab trình duyệt cùng lúc của người dùng để đánh cắp thông tin cá nhân.
Tabnabbing là từ ghép giữa “tab” (thẻ trình duyệt) và “nabbing” (chộp lấy). Thủ đoạn của chiêu lừa đảo này là thay đổi nội dung của một tab không hoạt động thành một trang đăng nhập giả, mô phỏng giao diện của các website quen thuộc như dịch vụ email, ngân hàng trực tuyến hoặc nền tảng mua sắm. Khi người dùng quay lại tab đó, họ có thể bị đánh lừa và vô tình nhập thông tin đăng nhập vào một trang giả mạo.
Cụ thể, sau một thời gian không hoạt động, tab trình duyệt có thể bị một đoạn mã độc âm thầm chiếm quyền kiểm soát và thay thế nội dung bằng một trang đăng nhập giả mạo. Tab này thậm chí còn có thể thay đổi tiêu đề hoặc biểu tượng nhằm đánh lừa người dùng, trong khi giao diện tổng thể vẫn giữ nguyên hình thức quen thuộc của trang web chính thống, khiến hành vi giả mạo trở nên khó nhận biết.
Dù thủ đoạn này đã xuất hiện từ nhiều năm trước, gần đây nó đang có dấu hiệu quay trở lại với mức độ tinh vi hơn. Tại Tây Ban Nha, cảnh sát đã phát động chiến dịch cảnh báo trên mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ từ hình thức lừa đảo này.
Để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên hạn chế mở quá nhiều tab trình duyệt cùng lúc – bởi số lượng tab càng lớn, nguy cơ bị tấn công càng cao. Trong trường hợp nghi ngờ, người dùng cần kiểm tra kỹ địa chỉ URL, tránh truy cập các liên kết chứa ký tự lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Cũng như các hình thức lừa đảo qua email hay liên kết giả mạo, sự cảnh giác luôn là “lá chắn” hiệu quả nhất giúp người dùng tránh rơi vào bẫy tabnabbing.
Hai người mới nhất ở Tây Ninh sập bẫy những kẻ lừa đảo khiến tài khoản ngân hàng nhanh chóng “bốc hơi” hàng tỉ đồng.
Ngày 9-5, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Tây Ninh phát đi thông báo khuyến cáo người dân, chủ doanh nghiệp cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng qua không gian mạng.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh xuất hiện các đối tượng lợi dụng việc ngành thuế triển khai những dịch vụ thuế điện tử, sử dụng nhiều phương thức lừa đảo để chiếm đoạt thông tin, tài sản của người nộp thuế. Các đối tượng lừa đảo thường giả mạo cơ quan thuế yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân, gửi đường link cài đặt ứng dụng giả mạo để chiếm quyền điều khiển điện thoại và đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của người nộp thuế.
Ngoài ra, chúng còn giả mạo tin nhắn SMS brand name của Tổng Cục thuế để phát tán tin nhắn giả, gửi các đường link và hướng dẫn giả mạo nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, máy tính, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người nộp thuế.
Điển hình, chị T. (chủ doanh nghiệp ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0912.961.437, kẻ lừa đảo xưng là cán bộ thuộc Chi Cục thuế TP Tây Ninh và yêu cầu chị T. cung cấp thông tin doanh nghiệp để hỗ trợ làm thủ tục miễn thuế. Tiếp đó, kẻ lừa đảo yêu cầu chị T. kết bạn qua zalo với “cán bộ Chi Cục thuế” khác tên Nguyên để được hướng dẫn làm thủ tục.
Từ thông tin được chị T. cung cấp, “cán bộ Chi Cục thuế” tên Nguyên cho biết công ty chị được hoàn thuế 5 triệu đồng rồi nói cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền. Một lát sau, chị T. nhận được hình ảnh hóa đơn chuyển tiền nhưng kiểm tra tài khoản thì không thấy giao dịch số tiền nhận được.
Khi chị T. thắc mắc, Nguyên viện nhiều lý do và tiếp tục đề nghị chị tạo mã QR để tiện kiểm tra các giao dịch liên quan đến việc đóng thuế và hoàn thuế. Nguyên cung cấp mã QR kèm theo dòng chữ “kho bạc nhà nước” và hướng dẫn chị T. tải mã về máy điện thoại. Tiếp theo đối tượng hướng dẫn đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng, yêu cầu chị T. đặt căn cước công dân lên màn hình điện thoại để kích hoạt tài khoản.
Sau nhiều lần làm theo, chị T. kiểm tra lại tài khoản ngân hàng của mình đã “bay” mất gần 3,5 tỉ đồng. Lúc này chị T. liên lạc với đối tượng Nguyên thì bị chặn liên lạc.
Tương tự, chị B. (ngụ TP Tây Ninh) được một người gọi đến tự xưng là cán bộ chi cục thuế, cho biết doanh nghiệp của chị ngưng hoạt động, mã số thuế chưa đúng rồi yêu cầu chị B. kết bạn zalo để đổi mã số thuế. Tưởng thật, chị B. kết bạn zalo với tài khoản tên Hải và người này hướng dẫn chị cài đặt app etax Mobile và app Chính phủ. Sau khi chị B. điền thông tin cá nhân và làm theo hướng dẫn của đối tượng, chị mới tá hỏa phát hiện tài khoản ngân hàng của mình liên tục thực hiện 6 lần giao dịch với số tiền “bốc hơi” hơn 1,7 tỉ đồng.
Thông qua Báo Người Lao Động, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo các hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác, không thực hiện các yêu cầu của đối tượng, khi nhận được các giấy mời, cuộc gọi như trên cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế qua kênh chính thức để được hỗ trợ, tránh bị kẻ gian lợi dụng giả danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản