Cảnh báo

Tin nổi bật

Vừa trộn xong mẻ vữa, anh Toản điếng người nghe vợ báo tin số tiền 600 triệu đồng chuẩn bị cho con trai đi du học, bị lừa mất sạch.

Ba ngày trước, con trai út tên Thành Đạt, 19 tuổi, nhận cuộc gọi từ một người xưng là “công an Hà Nội”, thông báo cậu liên quan đến đường dây rửa tiền xuyên quốc gia.

Giọng “anh công an” rất nghiêm nghị, đọc rành rọt mọi thông tin cá nhân của Đạt. Sau đó, hình ảnh công văn điều tra và ảnh tang vật và cả một nhóm người bị tạm giam cùng với “lệnh bắt giữ” khiến cậu bủn rủn tay chân.

“Chúng bảo nếu em nói với ai, kể cả với người nhà sẽ bị bắt ngay để không làm lộ quá trình điều tra. Lúc đó em hoảng loạn, không nghĩ được gì”, Đạt kể. Khi cậu cố gắng thanh minh, đối tượng trấn an: “Chúng tôi tin em vô tội, nhưng phải chứng minh điều đó”. Kẻ lừa đảo nói Đạt phải chuyển 600 triệu đồng cho “cơ quan điều tra”, sẽ hoàn trả sau hai, ba ngày.

Khi Đạt nói không có tiền, chúng tấn công vào điểm yếu “nếu bố mẹ biết chuyện này sẽ lo lắng, hoảng loạn và khiến sự việc rắc rối thêm”. Một kịch bản được đưa ra: “Hãy nói được học bổng du học, cần 600 triệu để chứng minh tài chính”.

Thanh niên 19 tuổi nghe theo.

Nghe con trai báo tin được học bổng du học, vợ chồng anh Toản tin tuyệt đối. Trong ba ngày, họ vay mượn đủ 600 triệu đồng, chuyển hết cho Đạt.

Nam sinh được hướng dẫn rút tiền mặt, mang đến một quán cà phê giao cho “điều tra viên”. Việc trao tiền trực tiếp, không phải nhấp vào đường link, hay nhập mã OTP, khiến Đạt tin hơn.

Ba ngày trôi qua vẫn không thấy tiền về, số điện thoại của “điều tra viên” không thể liên lạc được. Lúc này Đạt mới bừng tỉnh.

“Mẹ ơi, con bị lừa rồi”, nam sinh khóc nức nở qua điện thoại, thú nhận với mẹ trong buổi sáng giữa tháng 5/2025.

Thành Đạt, 19 tuổi, sau cú lừa đảo mất 600 triệu đồng. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Thành Đạt, 19 tuổi, sau cú lừa đảo mất 600 triệu đồng. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang bùng nổ với quy mô và thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Năm 2024, người Việt mất gần 19.000 tỷ đồng vì các cú lừa online, theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.

Cổng cảnh báo an toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng ghi nhận hơn 22.000 phản ánh trong 9 tháng đầu năm 2024, trong đó 80% liên quan lừa đảo tài chính.

Nhưng con số này, theo các chuyên gia, chỉ là phần nổi của tảng băng.

“Rất nhiều người không báo cáo vì xấu hổ, sợ bị đánh giá, chấp nhận mất tiền và nghĩ đó là một khoản ‘học phí’ cho sự thiếu hiểu biết”, tiến sĩ Bùi Thị Liên, chuyên gia Tâm lý học tội phạm, Học viện An ninh nhân dân, nói.

Lừa đảo online đã trở thành một ngành công nghiệp ngầm, có tổ chức, nhân công, có những người nghiên cứu các quy luật tâm lý, xã hội, liên tục cập nhật xu hướng, chính sách mới để sáng tạo kịch bản lừa đảo.

Nhiều người thắc mắc “Vì sao những kịch bản lừa đảo nghe quá vô lý mà nạn nhân vẫn răm rắp làm theo?”. Ẩn sau mỗi vụ lừa là cả một chuỗi những hành vi thao túng tâm lý (psychological manipulation) được dàn dựng công phu mà các đối tượng giăng bẫy săn mồi, chuyên gia tâm lý học tội phạm đưa ra nhận định.

Theo tiến sĩ Liên, có 5 điểm yếu tâm lý phổ biến mà các thủ phạm thường khai thác. Đầu tiên, chúng đánh vào nỗi sợ hãi.

Hầu hết đều sợ bị vướng vào lao lý, sợ làm cha mẹ buồn, sợ mất thể diện, mất tiền. Một cú điện thoại xưng là công an, một lệnh bắt có dấu đỏ, vài bức ảnh đồng phạm bị tạm giam đã có thể khiến người ở đầu dây bên kia mất kiểm soát.

Tiếp theo, những kẻ lừa đảo sẽ đánh vào cảm giác tội lỗi. “Ai cũng biết quy định này, sao chị lại không?”, “Kiến thức pháp luật của anh/chị như thế à?”. Những câu nói có tính thao túng này khiến nạn nhân hoang mang, rối trí vì cảm thấy mình yếu kém, từ đó dễ bị dẫn dụ.

Trong một số trường hợp, chúng đánh vào tâm lý khát khao được quan tâm, chia sẻ của mỗi người. Bằng những lời thủ thỉ, săn sóc như thể bạn là người đặc biệt, các đối tượng sẽ tạo ra một điểm tựa tâm lý vô hình khiến các nạn nhân tin tưởng và phụ thuộc. Một vài ngày nhắn tin quan tâm, rồi đưa ra một cơ hội đầu tư sinh lời. Những người đang cô đơn cứ tưởng đây là tình yêu đích thực nhưng thực tế là cái bẫy được giăng sẵn.

Chúng lợi dụng điểm yếu của con người trong các tình huống khẩn cấp. Bằng cách dựng nên những tình huống như con bị tai nạn, bố đang cấp cứu, tài khoản sắp bị khóa các đối tượng đưa ra những lựa chọn buộc nạn nhân phải hành động ngay lập tức. Việc tạo cảm giác khẩn cấp, với các câu nói dẫn dắt có chủ đích khiến nạn nhân không có thời gian suy nghĩ, mất khả năng tỉnh táo, phòng bị.

Và cuối cùng, chúng đánh vào lòng tham. Qua vài lần thành công đầu tiên mang lại lợi nhuận nhỏ, chúng xây dựng lòng tin, kích thích lòng tham. Mỗi lần đầu tư sau đó sẽ lớn hơn, tham vọng thu hồi số tiền đã mất cũng mạnh hơn và nạn nhân chỉ dừng lại khi không còn vay mượn được ai nữa.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết gần như tuần nào cũng tiếp nhận những vụ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng. Không ít nạn nhân là người có trình độ học thức, địa vị xã hội.

Một số nạn nhân thậm chí mù quáng bào chữa cho kẻ lừa đảo, bất chấp cảnh báo từ người thân. Đầu tháng 6/2025, gia đình anh Thanh Bình, ở Hà Nội phát hiện em gái vay mượn khắp nơi. Khi hỏi ra, cô đã chuyển cho bạn trai qua mạng gần 300 triệu đồng.

“Em tôi ly thân đã lâu. Tháng 4 nó nhập viện, nằm một mình nên bắt đầu nhắn tin với mấy người lạ trên mạng”, anh kể. Từ vài tin nhắn an ủi, mối quan hệ nhanh chóng chuyển sang những lời yêu đương, hứa hẹn, hợp tác đầu tư.

Mặc dù cho gia đình khuyên nhủ, thậm chí bị kẻ lừa đảo chặn số, em gái anh vẫn nhắn tin yêu đương với thủ phạm. “Khi tôi hỏi: “Giờ chồng ly hôn, giành quyền nuôi con thì sao?”. Nó vẫn ngu muội trả lời: “Anh ấy (kẻ lừa đảo) hứa tháng sau sẽ về đón em'”, anh Bình kể.

Các kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp và biến thiên khôn lường, dù vậy, theo tiến sĩ Liên, quá trình thao túng nạn nhân thường qua bốn bước chính.

Đầu tiên, cung cấp thông tin gây sốc khiến nạn nhân sợ hãi, kèm theo thông tin cá nhân và giấy tờ pháp lý để thu phục lòng tin. Thứ hai, cô lập bằng cách cấm chia sẻ thông tin. Thứ ba, gieo lo sợ cực độ, khiến nạn nhân tự thêu dệt kịch bản xấu nhất. Và cuối cùng, ra lệnh điều khiển hành vi, lấy tiền và biến mất.

Hậu quả không chỉ là mất tiền. Nhiều nạn nhân suy sụp tinh thần, mất kiểm soát hành vi, thậm chí vi phạm pháp luật, tự tử.

Luật sư Cường nhấn mạnh vai trò của các nhà mạng, nền tảng số và đơn vị trung gian thanh toán; chuyên tâm lý, xã hội trong việc tham gia nghiên cứu về loại tội phạm này và đi trước chúng một bước. Đặc biệt, rất cần thiết người dân báo cáo sự việc để các cơ quan chức năng có cơ sở phát hiện và xử lý.

Với người dân, không ai có thể nói chắc mình không là nạn nhân. Vì vậy, phải cập nhật kiến thức công nghệ, hiểu biết pháp luật, theo dõi các thủ đoạn lừa đảo mới qua nguồn tin chính thống. Tuyệt đối không tin vào món hời, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP hay mật khẩu. Khi đã mất tiền, không nghe theo lời mời lấy lại.

Trên thực tế, cùng một kịch bản nhưng có người bị lừa, có người không.

Tiến sĩ Liên cho biết sau quá trình giăng bẫy, các đối tượng lừa đảo sẽ nhìn ra những dấu hiệu cho thấy “con mồi” đang có xu hướng đi tiếp hay không, ví dụ tỏ ra quan tâm, sốt ruột, lo lắng hoặc giọng nói bộc lộ sự sợ hãi, thiếu ổn định.

Người bị lừa thường có tâm lý yếu, nhẹ dạ, cả tin, thương người hoặc thiếu hiểu biết. Khi bị cuốn vào cuộc trò chuyện, thủ phạm sẽ sử dụng một số kỹ thuật trong tâm lý, ví dụ đưa ra các lựa chọn có tính định hướng cao khiến nạn nhân buộc phải chọn, giọng nói cứng rắn, thể hiện uy quyền, đe dọa, mệnh lệnh đưa ra quyết liệt, gấp gáp, phủ đầu. Dần dần, cuộc gọi điện như gọng kìm siết chặt, điều khiển nạn nhân hành động theo mệnh lệnh mà không có sự phản ứng hoặc không dám phản ứng.

“Vì thế, nếu gặp phải tình huống không liên quan hay có dấu hiệu đáng ngờ, người dân tốt nhất không tương tác. Nói thêm sẽ có nguy cơ bị lộ điểm yếu”, tiến sĩ Liên nói. “Hơn nữa, nguyên tắc đầu tiên trong thời đại số là phải biết trì hoãn, không đưa ra quyết định vội vàng“.

Gần một tháng nay, vợ chồng anh Toản lao đao vì khoản nợ 300 triệu đồng. Mùa mưa bão sắp đến, công việc thợ xây sẽ ít, gánh nặng trả nợ càng chồng chất.

“Con dại cái mang, giờ cả nhà phải cùng nhau gồng gánh”, người cha chua xót nói.

Quỳnh Dương

Hai hộ kinh doanh tại Saigon Square vừa bị xử phạt vì bán ví, túi xách và áo thun giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, ngày 13/6, tổ công tác nghiệp vụ của đơn vị tiếp tục kiểm tra hoạt động kinh doanh tại Saigon Square (quận 1, TP HCM).

Trong quá trình kiểm tra, nhà chức trách phát hiện hai kiot 47T-49T và 3B+9D bày bán hàng giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Tại kiot 47T-49T của bà Ngô Thị Hằng Nga, nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu Hermes, Chanel, Gucci, Louis Vuitton được niêm yết giá chỉ từ 150.000 đến 380.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với giá chính hãng.

Túi xách giả mạo thương hiệu tại cửa hàng tại Saigon Square. Ảnh: Quản lý thị trường

Túi xách giả mạo thương hiệu tại cửa hàng tại Saigon Square. Ảnh: Quản lý thị trường

Tương tự, tại ki-ốt 3B+9D của bà Võ Thị Kiều Oanh, các mẫu áo thun mang nhãn Lacoste, Boss, Polo cũng chỉ có giá 100.000-150.000 đồng mỗi chiếc. Toàn bộ gần 400 sản phẩm tại hai ki-ốt này đã bị lập biên bản tạm giữ để xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 29/5, sáu tổ công tác của Cục đã kiểm tra diện rộng tại Saigon Square, thu giữ hàng nghìn sản phẩm như túi xách, ví, đồng hồ, kính mắt… giả mạo thương hiệu nổi tiếng. Một số hộ kinh doanh cố gắng đóng cửa gian hàng để né tránh nhưng vẫn bị phát hiện vi phạm.

Nhiều tiểu thương tại Saigon Square đóng cửa vì lo kiểm tra. Ảnh: Quản lý thị trường

Nhiều tiểu thương tại Saigon Square đóng cửa vì lo kiểm tra. Ảnh: Quản lý thị trường

Theo lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục giám sát các điểm nóng về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ. Song song đó, lực lượng cũng tuyên truyền, vận động tiểu thương chuyển sang kinh doanh hàng hợp pháp, góp phần xây dựng hình ảnh môi trường mua sắm văn minh, đáng tin cậy tại TP HCM.

Đợt kiểm tra nằm trong kế hoạch thực hiện Công điện 65 và Chỉ thị 13 của Thủ tướng về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên toàn quốc.

Từ đầu năm, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó, hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 25.100 vụ gian lận thương mại, thuế và khoảng 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ. Các cơ quan xử phạt, thu nộp ngân sách hơn 4.897 tỷ đồng, khởi tố hình sự gần 1.400 vụ.

Thi Hà

Ứng dụng AI trong nhiều tòa soạn báo ở Việt Nam được đánh giá còn tự phát, manh mún, thiếu chiến lược tổng thể để giải quyết những thách thức sinh tử.

Tại Hội thảo AI và chiến lược chuyển đổi số của các tòa soạn báo Việt Nam sáng 20/6 ở Hà Nội, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), nhận định: “Ứng dụng AI trong báo chí Việt Nam hiện vẫn manh mún và thiếu tầm nhìn dài hạn”.

Theo khảo sát của IPS năm 2024, 64,6% cơ quan báo chí trong nước đã bắt đầu ứng dụng AI, tăng gấp đôi so với mức 27,3% của năm trước đó. Tuy nhiên, chỉ dưới 10 tòa soạn có chính sách về sử dụng AI, và đa phần mới ứng dụng ở khâu sản xuất nội dung như gợi ý tiêu đề, kiểm tra chính tả, tạo hình minh họa… Trong khi đó, các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá như nghiên cứu độc giả, phát triển kinh doanh lại ít được đầu tư.

Viện trưởng Viện IPS - Nguyễn Quang Đồng tại Hội báo 2025. Ảnh: Trọng Đạt

Viện trưởng IPS Nguyễn Quang Đồng tại Hội báo 2025. Ảnh: Trọng Đạt

“Chúng ta đang đặt trọng tâm sai. AI đang được các tòa soạn Việt Nam dùng để hỗ trợ sản xuất bài viết, thay vì giải quyết bài toán về mô hình kinh doanh, trải nghiệm độc giả, giữ chân người đọc – những yếu tố sống còn của báo chí”, ông Đồng nói. Theo ông, điều nguy hiểm là nhiều tòa soạn sa đà vào việc áp dụng AI như các công cụ hỗ trợ cá nhân nhà báo, thay vì tiếp cận từ góc độ tổ chức với chiến lược bài bản.

Ghi nhận của IPS cho thấy phần lớn tòa soạn không đủ nguồn lực tài chính, nhân sự để đầu tư AI một cách nghiêm túc. Nhiều nơi chỉ sử dụng công cụ miễn phí như ChatGPT, Gemini, với ngân sách dưới một triệu đồng. “Với mức đầu tư như vậy, không thể gọi là ứng dụng AI ở cấp độ tòa soạn được”, ông Đồng nhận xét. “VnExpress và VnEconomy là những ví dụ hiếm hoi về việc ứng dụng AI bài bản ở cấp độ tòa soạn”.

VnExpress đã đẩy mạnh, tối ưu hóa việc ứng dụng thuật toán công nghệ và AI ở phần lớn khâu nội dung từ tác nghiệp của phóng viên, biên tập, sản xuất nội dung đến các sản phẩm nội dung độc quyền đa phương tiện.

Trong đó, một số ứng dụng nổi bật như thuật toán sắp xếp nội dung trang chủ theo nguyên tắc cá nhân hóa một phần, đảm bảo độc giả dễ tiếp cận tin chưa đọc ở vị trí thuận tiện nhất. Podcast Generation cung cấp công cụ sản xuất chương trình Điểm tin Podcast, thay thế 70% sức người bằng công nghệ, sản xuất 3 điểm tin mỗi ngày. Ứng dụng Robot Journalism tham gia viết bài tổng hợp thị trường chứng khoán, bản tin tổng hợp thể thao, trắc nghiệm. Translation AI giúp chuyển ngữ bài tiếng Việt sang tiếng Anh.

Chuyên mục Điểm tin Podcast trên VnExpress với giọng đọc AI. Ảnh: Lưu Quý

Chuyên mục Điểm tin Podcast trên VnExpress với giọng đọc AI. Ảnh: Lưu Quý

Tòa soạn cũng triển khai Personalization – tính năng MyVnE cho phép độc giả đăng nhập tùy chỉnh chuyên mục, chủ đề theo nhu cầu; hay tính năng đọc nhanh – sử dụng công nghệ AI tóm tắt tin tức cho độc giả bằng văn bản và giọng nói.

Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng AI, Tổng thư ký tạp chí VnEconomy Đào Quang Bính cho hay việc đầu tiên tòa soạn nghĩ đến là phát triển công cụ dịch cho tạp chí phiên bản tiếng Anh.

Theo ông, báo đã tự phát triển AI dịch song ngữ Anh – Việt về nội dung kinh tế, với độ chính xác 95%. “Bài báo tiếng Việt chuyển sang tiếng Anh chỉ mất hai phút, biên tập viên chỉnh sửa thêm 5-10 phút, và gần như không phải hiệu đính. Chúng tôi đã áp dụng công cụ này được 8 tháng, giúp tăng năng suất cả chục lần”, ông nói.

Tòa soạn này cũng phát triển trợ lý ảo Askonomy. Người trả tiền đọc báo được cấp quyền truy cập trợ lý ảo. Khi người dùng đặt câu hỏi, Askonomy đưa ra câu trả lời cụ thể, dựa trên nguồn nội dung dữ liệu là các bài viết đăng trên tạp chí.

Viện IPS đánh giá tương lai của báo chí sẽ ngày càng thách thức khi độc giả chuyển từ truy cập qua công cụ tìm kiếm sang dùng chatbot AI để lấy thông tin, khiến báo chí ít được “ghé qua” như trước. Nguồn thu quảng cáo sẽ giảm theo. Vì vậy, AI cần được nhìn nhận như một công cụ để giải bài toán mô hình kinh doanh, thay vì chỉ là công cụ hỗ trợ sản xuất nội dung.

Theo Viện trưởng, các cơ quan báo chí nên tiếp cận AI một cách tổng thể và có chiến lược. Trong đó, cần dùng AI để tác động đến chiến lược thu hút, giữ chân độc giả và tạo nguồn thu bởi đây mới là điều sống còn đối với các tòa soạn. Để làm như vậy, tòa soạn cần có tư duy, lộ trình đầu tư cho công nghệ, đồng thời cũng cần có bộ quy tắc ứng xử, hướng dẫn phóng viên, biên tập viên dùng AI có trách nhiệm và an toàn.

Trọng Đạt

Sau một tháng cao điểm kiểm tra hàng hoá trên cả nước, lực lượng quản lý thị trường xử lý 3.114 vụ vi phạm, tổng giá trị xử lý hơn 63 tỷ đồng.

Chiến dịch được phát động từ 15/5 đến 15/6 theo chỉ đạo của Thủ tướng, do Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chủ trì. Trong thời gian này, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 3.891 vụ việc, xử lý hơn 3.100 vụ vi phạm. Trong đó, số tiền xử phạt hành chính vượt 32 tỷ đồng, hàng hóa vi phạm bị tịch thu trị giá gần 31 tỷ đồng, và tổng số tiền nộp ngân sách đạt gần 36 tỷ đồng.

Trong đó, 26 vụ có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cho cơ quan điều tra, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quản lý thị trường kiểm tra hàng giả tại các trung tâm thương mại. Ảnh: Quản lý thị trường

Quản lý thị trường kiểm tra hàng giả tại các trung tâm thương mại. Ảnh: Quản lý thị trường

Hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 1.580 vụ, tương đương 52% tổng số, số tiền xử phạt 16 tỷ đồng. Tiếp theo là nhóm buôn lậu với 648 vụ, chiếm hơn 21%, xử phạt hơn 6 tỷ đồng.

Một số nhóm hàng nhạy cảm như thuốc, thực phẩm chức năng tiếp tục được giám sát chặt. Riêng nhóm này, từ năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý gần 1.000 vụ, trong đó có 783 vụ liên quan đến sữa vi phạm.

Nhiều vụ việc nổi cộm được phát hiện trong đợt cao điểm như: tạm giữ hơn 500 sản phẩm giả mạo thương hiệu tại trung tâm Đà Nẵng; phát hiện cơ sở sản xuất tất giả tại La Phù, Hà Nội; thu giữ hàng nghìn sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng tại Saigon Square, TP HCM. Gần đây nhất, ngày 9/6, lực lượng chức năng kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại Hà Nội và phát hiện 3.500 sản phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, cho thấy sự tinh vi trong việc trà trộn hàng giả với hàng thật.

Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kết hợp công nghệ số và dữ liệu liên thông để giám sát thị trường hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ triển khai các chương trình tuyên truyền, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật.

“Chúng tôi cam kết hành động mạnh mẽ, đồng bộ và linh hoạt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh”, ông Linh nói.

Thi Hà

Thế nhưng những người con của ông Durov sẽ không thể “ngồi mát ăn bát vàng” ngay lập tức.

Có hơn 100 người con khắp thế giới, tất cả đều được thừa kế tài sản tỷ USD của CEO Telegram- Ảnh 1.

Pavel Durov, tỷ phú 40 tuổi sáng lập nên ứng dụng nhắn tin Telegram, vừa gây chấn động dư luận khi tiết lộ kế hoạch để lại toàn bộ gia tài khổng lồ trị giá 13,9 tỷ USD cho hơn 100 đứa con của mình trên khắp thế giới.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tạp chí Le Point của Pháp, CEO Telegram đã chia sẻ câu chuyện đầy bất ngờ về cuộc sống riêng tư và kế hoạch di sản đặc biệt. Durov thừa nhận ông là cha chính thức của 6 đứa con với 3 người phụ nữ khác nhau, nhưng con số này chỉ là phần nổi của tảng băng.

Có hơn 100 người con khắp thế giới, tất cả đều được thừa kế tài sản tỷ USD của CEO Telegram- Ảnh 2.

CEO và là nhà đồng sáng lập Telegram, Pavel Durov

Điều khiến công chúng thực sự kinh ngạc là việc Durov đã bắt đầu hiến tinh trùng từ 15 năm trước, và theo ông, hơn 100 em bé đã được sinh ra từ cách thức này. ” Tôi muốn làm rõ rằng tôi không phân biệt giữa các con của mình: có những đứa được sinh ra tự nhiên và có những đứa đến từ việc hiến tinh trùng của tôi. Chúng đều là con tôi và sẽ có quyền bình đẳng ,” ông khẳng định một cách nghiêm túc.

Quyết định này không chỉ thể hiện quan niệm độc đáo về gia đình mà còn phản ánh tư duy kinh doanh táo bạo đã giúp Durov xây dựng nên đế chế Telegram với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động trên toàn cầu. Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của ông hiện được ước tính lên tới 13,9 tỷ USD, khiến ông trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.

Tuy nhiên, những đứa con của Durov sẽ không thể “ngồi mát ăn bát vàng” ngay lập tức. Trong di chúc được viết gần đây, ông quy định rằng tất cả con cái sẽ không được quyền động đến tài sản trong vòng 30 năm kể từ hiện tại. Động thái này cho thấy Durov muốn đảm bảo con em của mình phải tự lập trước khi thừa hưởng gia tài khổng lồ.

Phong cách sống của Durov cũng không kém phần đặc biệt. Ông nổi tiếng với những hành vi đôi khi khiêu khích, từng gây sốt mạng xã hội khi đăng ảnh khoe thân hình cơ bắp chúc mừng 11,1 triệu người theo dõi nhân dịp lễ Phục Sinh. Thói quen hàng ngày của ông bao gồm 300 lần hít đất và 300 lần squat, đồng thời tránh hoàn toàn rượu bia, cà phê và trà.

Cuộc sống phi thường này diễn ra trong bối cảnh Durov đang phải đối mặt với những thách thức pháp lý nghiêm trọng. Chính quyền Pháp đã buộc tội ông về việc để cho tội phạm hoạt động trên nền tảng Telegram, những cáo buộc mà Durov kiên quyết phủ nhận.

Dù vậy, những rắc rối pháp lý dường như không làm lung lay quyết tâm của vị tỷ phú trong việc xây dựng di sản cho thế hệ tương lai. Việc ông coi tất cả những đứa con, dù sinh ra bằng cách nào, đều có quyền thừa kế như nhau, phản ánh một quan niệm tiến bộ về gia đình và trách nhiệm xã hội.

Theo Nguyễn Hải

Thanh niên Việt

Cảnh báo

Samsung mạnh tay trấn áp chiêu trò lừa đảo bằng điện thoại Galaxy giả.

Theo Sammy Fans, nếu bạn vô tình nhìn thấy điện thoại Samsung Galaxy ‘chính hãng’ với giá hấp dẫn trên Facebook Marketplace hay các chợ online khác, hãy hết sức cẩn thận, đó rất có thể là một cái bẫy hàng giả được ngụy trang tinh vi.

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung vừa phát đi cảnh báo khẩn cấp đến người tiêu dùng về tình trạng điện thoại Galaxy nhái đang xuất hiện ngày càng nhiều, đồng thời nhấn mạnh về những nơi mua hàng an toàn tuyệt đối.

 

Samsung cảnh báo khẩn chiêu trò điện thoại Galaxy 'xịn' giá rẻ - Ảnh 1.

Samsung cảnh báo về điện thoại Galaxy giả tràn lan trên mạng

Samsung cảnh báo nạn lừa đảo bằng điện thoại Galaxy giả

Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến bùng nổ, Samsung cho biết đã phát hiện một vấn đề đáng lo ngại đến từ sự gia tăng của điện thoại Galaxy giả mạo được rao bán trên các nền tảng phổ biến như Facebook Marketplace, Gumtree và các kênh tương tự. Những kẻ lừa đảo thường là người bán cá nhân, đăng tải thông tin sản phẩm hấp dẫn, tự nhận là hàng thật, thậm chí còn trắng trợn sử dụng logo và hình ảnh chính thức của Samsung để tăng độ tin cậy.

Tuy nhiên, Samsung nhấn mạnh, dù những chiếc điện thoại nhái này có thể đánh lừa người dùng bằng vẻ ngoài giống hệt hàng thật, chất lượng bên trong lại hoàn toàn không đạt tiêu chuẩn. Người mua có nguy cơ cao nhận phải một sản phẩm ‘dỏm’, hoạt động chập chờn, nhanh hỏng, không được bảo hành và thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng và tránh tình trạng tiền mất tật mang, Samsung đưa ra lời khuyên chỉ nên mua điện thoại Galaxy tại các kênh phân phối chính thức và được ủy quyền. Cụ thể:

  • Trang web chính thức của Samsung (www.samsung.com).
  • Ứng dụng mua sắm chính thức Samsung Shop.
  • Các cửa hàng bán lẻ lớn, uy tín được Samsung ủy quyền (như các chuỗi siêu thị điện máy lớn).
  • Các nhà mạng đối tác chính thức của Samsung.

Samsung mong muốn đảm bảo mọi khách hàng đều sở hữu được sản phẩm chính hãng với chất lượng và độ an toàn cao nhất. Vì vậy, nếu đang tìm mua một chiếc điện thoại Galaxy, bạn đừng quên kiểm tra thật kỹ nguồn gốc, thông tin người bán và chỉ tin tưởng những địa chỉ uy tín đã được Samsung công nhận để tránh mọi phiền phức và rủi ro không đáng có về sau.

Nguồn: Thanhnien.vn

Google đã công bố 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến mà nhiều người Việt thường xuyên mắc phải, kèm theo đó là những lời khuyên giúp sử dụng Internet an toàn hơn.

Theo Google, hãng đã hợp tác với Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông để phát hiện và ngăn chặn nhiều hình thức lừa đảo và ứng dụng độc hại tại Việt Nam.

Công ty cho biết, người dùng Internet tại Việt Nam đã phải đối phó hàng loạt nguy cơ lừa đảo ngay từ tháng đầu năm nay. Tính riêng trong tháng 1/2025, Google đã phát hiện và bảo vệ hơn 360.000 thiết bị tránh khỏi 8.000 ứng dụng độc hại tại Việt Nam.

Google cũng chỉ ra 5 hình thức lừa đảo trực tuyến mà nhiều người dùng tại Việt Nam thường mắc phải như một lời cảnh báo.

Mạo danh người nổi tiếng bằng AI để kêu gọi đầu tư

Theo Google, những kẻ lừa đảo có thể sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (A)I để tạo video và hình ảnh giả mạo, trong đó bao gồm việc mạo danh người nổi tiếng, để quảng bá cho các chiêu trò lừa đảo.

Các video Deepfake này kết hợp với các bài báo và bài đăng bịa đặt trên mạng xã hội sẽ được sử dụng để giới thiệu các khoản đầu tư bất hợp pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực tiền điện tử và nền tảng giao dịch. Sự kết hợp giữa những gương mặt có sức ảnh hưởng, nội dung trông chuyên nghiệp và lời hứa hẹn về lợi nhuận cao khiến các vụ lừa đảo này trở nên thuyết phục hơn.

Google khuyến cáo, người dùng cần hết sức cảnh giác với lời khuyên đầu tư từ người nổi tiếng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Người dùng cần quan sát kỹ những biểu cảm khuôn mặt không tự nhiên trong các video. Nếu một khoản đầu tư nghe có vẻ quá hấp dẫn, rất có thể đó là một chiêu trò lừa đảo.

Lợi dụng các sự kiện lớn để lừa đảo

Kẻ xấu thường lợi dụng các sự kiện, chương trình biểu diễn lớn, kết hợp với các hình ảnh và video được tạo ra bởi AI để thực hiện chiêu trò lừa đảo một cách tinh vi. Các đối tượng này nhanh chóng nắm bắt các sự kiện nổi bật để thực hiện chiêu trò lừa đảo như bán vé giả hoặc mạo danh tổ chức từ thiện, những buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao, các lễ hội văn hóa cho đến các thảm họa thiên nhiên.

Google khuyến cáo, người dùng chỉ nên mua vé và quyên góp thông qua các kênh chính thức, cần xác minh các tổ chức từ thiện và kiểm tra URL trước khi nhấp chuột.

Lừa đảo việc làm

Chiêu trò lừa đảo này thường nhắm đến những người đang tìm kiếm công việc từ xa và cơ hội việc làm tại môi trường quốc tế với mức thu nhập hấp dẫn. Những kẻ lừa đảo sẽ đăng tin tuyển dụng giả trên các trang web tuyển dụng uy tín và mạng xã hội, sau đó tiến hành các buổi phỏng vấn video chuyên nghiệp và thực hiện quy trình giới thiệu chi tiết, thường là giả mạo công ty quốc tế trong lĩnh vực giao dịch tiền số hoặc tiếp thị kỹ thuật số.

Để tăng độ tin cậy, kẻ lừa đảo thậm chí có thể giả mạo hợp đồng và các tài liệu liên quan. Ngoài việc yêu cầu các khoản phí trả trước và đánh cắp dữ liệu, những kẻ lừa đảo còn lôi kéo nạn nhân tham gia vào các hoạt động rửa tiền hoặc các hành vi phạm khác. Nạn nhân có thể vô tình bị cuốn vào các giao dịch tài chính hoặc chuyển tiền số, dẫn đến các hậu quả pháp lý nghiêm trọng do dính líu đến hoạt động bất hợp pháp.

Theo Google, người dùng cần thận trọng với các đề xuất “việc nhẹ lương cao”, nhất là những lời mời liên quan đến chuyển tiền. Nhà tuyển dụng thường không bao giờ yêu cầu thanh toán chi phí trong quá trình tuyển dụng hoặc dùng tài khoản cá nhân cho công việc kinh doanh. Do đó, người dùng cần xác minh thông tin qua các kênh chính thức trước khi bắt tay làm việc.

Lừa đảo du lịch và mua sắm trực tuyến

Những kẻ lừa đảo thường tạo ra các website giả mạo trang mua sắm, du lịch và bán lẻ hợp pháp, dụ dỗ nạn nhân bằng mức giá hấp dẫn cho mặt hàng phổ biến, hàng hóa xa xỉ, vé hòa nhạc hoặc ưu đãi du lịch.

Những website này được sao chép một cách tinh vi, từ giao diện đến các dịch vụ khách hàng, khiến gần như không thể phân biệt được với các trang chính thức.

Để tránh bị phát hiện, kẻ lừa đảo sử dụng kỹ thuật như “Cloaking” (che đậy) và tạo cảm giác cấp bách bằng cách đưa ra “ưu đãi có thời hạn” nhằm buộc người dùng quyết định nhanh chóng. Hậu quả là nạn nhân thường không nhận được gì, nhận phải hàng giả, hoặc đối mặt với các khoản phí bất hợp pháp và dữ liệu cá nhân bị xâm phạm.

Google khuyến cáo, người dùng cần xác minh trang web trước khi mua hàng, đặc biệt trong các đợt giảm giá. Người dùng cũng cần kiểm tra liên kết, các tính năng bảo mật, cảnh giác với mức giá thấp và lời hối thúc mua nhanh chóng.

Giả mạo dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật từ xa

Những kẻ lừa đảo thường mạo danh nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của các công ty, ngân hàng và cơ quan nhà nước. Chúng tạo ra những tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như thông báo thiết bị, tài khoản hoặc bảo mật của nạn nhân đang gặp vấn đề.

Phương thức tiếp cận của chúng cũng rất linh hoạt, có thể nhắm vào người cao tuổi bằng cách giả danh các công ty công nghệ danh tiếng hoặc tiếp cận giới trẻ thông qua các nền tảng trò chơi. Mục đích cuối cùng là dụ dỗ nạn nhân cài đặt phần mềm truy cập từ xa, từ đó chúng có thể kiểm soát thiết bị, truy cập vào dữ liệu cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện các giao dịch trái phép.

Google cảnh báo, người dùng không cấp quyền truy cập từ xa cho các tài khoản lạ. Các công ty hợp pháp sẽ không chủ động thực hiện cuộc gọi hỗ trợ kỹ thuật nên có vấn đề gì người dùng có thể liên hệ trực tiếp với công ty qua kênh chính thức, đồng thời tăng cường bảo mật với tính năng xác minh hai bước, khóa truy cập hoặc trình quản lý mật khẩu.

Theo vtv.vn

Gói đầu tư trị giá 1,3 tỷ Euro do Ủy ban châu Âu công bố nhằm củng cố chủ quyền công nghệ và thúc đẩy việc triển khai các công nghệ chiến lược tại châu Âu trong tương lai.

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã công bố gói đầu tư trị giá 1,3 tỷ Euro (khoảng 1,4 tỷ USD) vào trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng và kỹ năng số trong khuôn khổ Chương trình Châu Âu kỹ thuật số (DIGITAL) từ năm 2025 đến năm 2027. Mục tiêu là nhằm thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ này trong các doanh nghiệp và cơ quan hành chính công, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng phục hồi của châu Âu.

“Bảo đảm chủ quyền công nghệ của châu Âu bắt đầu bằng việc đầu tư vào các công nghệ tiên tiến và tạo điều kiện cho mọi người cải thiện năng lực số của mình” – Giám đốc Kỹ thuật số của Ủy ban châu Âu, bà Henna Virkkunen, chia sẻ về chương trình.

Bà Henna Virkkunen – Giám đốc Kỹ thuật số của Ủy ban châu Âu (Ảnh: AFP)

Một trong những ưu tiên hàng đầu của châu Âu là cải thiện tính khả dụng và khả năng truy cập của các ứng dụng AI tạo sinh, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và chăm sóc. Nguồn tài trợ cũng sẽ được sử dụng để xây dựng “thế giới ảo”, triển khai Đạo luật AI và phát triển các không gian dữ liệu chung tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, EC cũng sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho Mạng lưới Trung tâm đổi mới kỹ thuật số châu Âu (EDIHs) nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp và khu vực công quyền truy cập vào chuyên môn kỹ thuật và thử nghiệm công nghệ.

Chương trình còn chú trọng đầu tư vào sáng kiến Destination Earth – một mô hình kỹ thuật số nhằm hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai. Đồng thời, EC sẽ tăng cường khả năng phục hồi không gian mạng thông qua các giải pháp an ninh mạng nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng.

EC cũng đặt mục tiêu phát triển năng lực của các cơ sở giáo dục và đào tạo về kỹ năng số nhằm nuôi dưỡng và thu hút nhân tài cho lực lượng lao động châu Âu. Chương trình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng Ví định danh kỹ thuật số mới (Digital Identity Wallet) của EU và Cơ sở hạ tầng tin cậy châu Âu (European Trust Infrastructure).

Để đẩy nhanh quá trình đổi mới của châu Âu, EC sẽ sử dụng nền tảng công nghệ chiến lược cho châu Âu (STEP), trao nhãn chất lượng STEP cho các dự án hứa hẹn để giúp họ tiếp cận nguồn tài trợ công và tư nhân dễ dàng hơn.

Với ngân sách 8,1 tỷ Euro trong giai đoạn 2021 – 2027, Chương trình Châu Âu kỹ thuật số là chương trình tài trợ đầu tiên của EU tập trung hoàn toàn vào việc đưa công nghệ kỹ thuật số đến với doanh nghiệp và người dân.

Trước đó, vào cuối năm 2024, giới chức EU đã lựa chọn 7 đề án thiết lập và vận hành các trung tâm chuyên biệt phục vụ cho các nhà phát triển trí tuệ nhân tạo AI (các nhà máy AI). Tổng giá trị đầu tư vào các đơn vị này lên tới 1,5 tỷ Euro, đặt tại những thành phố là trung tâm về nghiên cứu và công nghệ. Các nhà máy AI mới này cũng sẽ được kết nối với những siêu máy tính hiệu năng cao, tối ưu hóa cho AI và sẽ đi vào vận hành trong năm 2025 hoặc 2026.

Những nhà máy AI sẽ tập trung vào việc cung cấp sức mạnh tính toán khổng lồ mà các công ty khởi nghiệp, ngành công nghiệp và các nhà nghiên cứu cần để phát triển các mô hình và hệ thống AI của mình. Đặc biệt, những nhà máy này sẽ giúp phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn của châu Âu hoặc các mô hình AI chuyên ngành tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như y tế, tài chính, tự động hóa, an ninh mạng, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục và không gian.

Ngoài ra, những nhà máy AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm siêu máy tính, ngành công nghiệp và các tổ chức tài chính, hình thành nên các hệ sinh thái AI vững mạnh xung quanh các siêu máy tính EuroHPC. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu thuận lợi mà còn tạo cơ hội cho việc mở rộng và phát triển kinh doanh quy mô lớn trong các lĩnh vực mới.

Nguồn: CafeF

Apple đối mặt với vụ kiện vì quảng cáo sai sự thật về Apple Intelligence, khi nhiều tính năng AI được hứa hẹn vẫn chưa khả dụng sau nhiều tháng.

Đơn kiện được đệ trình ngày 19/3 tại Tòa án Quận Hoa Kỳ ở San Jose, yêu cầu xét xử theo diện tập thể và đòi bồi thường thiệt hại cho những khách hàng đã mua iPhone và các thiết bị khác có hỗ trợ Apple Intelligence nhưng chưa nhận được đầy đủ các tính năng như Apple cam kết.

Theo nguyên đơn, Apple đã tạo ra kỳ vọng lớn trong lòng người tiêu dùng rằng các tính năng AI tiên tiến sẽ có mặt ngay khi sản phẩm được tung ra thị trường.

“Các quảng cáo của Apple khiến người dùng tin rằng những tính năng đột phá này sẽ sẵn sàng khi iPhone được phát hành.

Tuy nhiên, trái với tuyên bố của Apple về khả năng AI tiên tiến, các thiết bị được trang bị Apple Intelligence bị hạn chế đáng kể hoặc hoàn toàn không có, khiến người tiêu dùng hiểu lầm về hiệu suất và tính hữu dụng thực tế của công nghệ này”, đơn kiện nêu rõ.

Dù Apple đã gỡ bỏ một số quảng cáo, công ty vẫn chưa thu hồi hoàn toàn những tuyên bố bị cho là gây hiểu lầm từ mùa hè năm 2024. Nguyên đơn cũng cho rằng Apple chưa đưa ra bất kỳ biện pháp nào để bồi thường cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi những quảng cáo sai lệch này.

Đây không phải lần đầu Apple vướng vào tranh cãi liên quan đến việc triển khai tính năng mới. Tuy nhiên, vụ kiện lần này diễn ra trong bối cảnh công ty gặp nhiều khó khăn trong quá trình đưa Apple Intelligence ra thị trường.

Hàng loạt tính năng AI được quảng bá trong bộ Apple Intelligence, từng được giới thiệu năm ngoái như một điểm nhấn để bán iPhone 16 Series, đến nay vẫn chưa được cung cấp cho người dùng (Ảnh: 9to5Mac)

Theo Bloomberg, CEO Tim Cook được cho là “đã mất niềm tin” vào ông John Giannandrea, Giám đốc phụ trách AI của Apple, do tiến độ chậm trễ trong quá trình phát triển sản phẩm. Điều này càng làm dấy lên lo ngại về vị thế của Apple trong cuộc đua AI khi các đối thủ như Google và Microsoft liên tục ra mắt những công nghệ tiên tiến.

Nhà phân tích Ming-Chi Kuo nhận định, những nỗ lực phát triển Apple Intelligence chưa giúp Apple thúc đẩy doanh số bán iPhone mới.

Những nguồn tin từ chuỗi cung ứng cho biết phần lớn người dùng không quan tâm đến các tính năng AI khi mua một mẫu máy mới. Một khảo sát từ SellCell thậm chí chỉ ra rằng hầu hết người dùng vẫn chưa nhận thấy giá trị thực sự từ Apple Intelligence.

“Apple đã không thể duy trì được sự hào hứng của người dùng sau lần công bố Apple Intelligence tại WWDC 2024. Các đối thủ đã có những bước tiến quá nhanh chỉ trong vài tháng sau đó”, ông Kuo nhận xét.

Apple đã triển khai các tính năng của Apple Intelligence theo từng giai đoạn. Trên phiên bản iOS 18.1, hãng đã ra mắt trình soạn thảo văn bản và công cụ tóm tắt nội dung. Với iOS 18.2, Apple bổ sung thêm Genmoji, Image Playgrounds và tích hợp ChatGPT.

Nguồn: CafeF