Xây dựng niềm tin

trên môi trường Số

Rao gì bán nấy - Bán gì giao nấy!

Quy chế chương trình

 

1. Nguyên tắc chung

      Chương trình Doanh nghiệp, Thương nhân uy tín (Chương trình Digital Trust) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) khởi xướng và vận hành. Chương trình sử dụng nhãn hiệu đặc trưng là TrustMark. Thành viên Chương trình Digital Trust là các doanh nghiệp và hộ kinh doanh (gọi chung là Thương nhân) có hoạt động thương mại hợp pháp được Nhà nước công nhận, được sử dụng Nhãn TrustMark của Chương trình cho mục đích truyền thông, xây dựng thương hiệu, và các mục đích hợp pháp khác. 

      Thương nhân đăng ký tham gia Chương trình Digital Trust phải  chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu của Chương trình và đảm bảo tính hợp pháp của hoạt động kinh doanh,  chất lượng  sản phẩm, dịch vụ, phải tự tìm hiểu trách nhiệm pháp lý của mình đối với luật pháp hiện hành của Việt Nam và cam kết tuân thủ Quy chế của Chương trình.

2. Quy định chung

2.1. Chương trình Doanh nghiệp, Thương nhân uy tín – Digital Trust:

    Chương trình Doanh nghiệp, Thương nhân uy tín – Digital Trust do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) thực hiện hoạt động và vận hành.

2.2 Định nghĩa chung:

a. Thành viên:

   Thành viên tham gia Chương trình Digital Trust là doanh nghiệp và hộ kinh doanh có nhu cầu được khẳng định uy tín và dán Nhãn TrustMark.

    Khi đăng ký là thành viên của Digital Trust, thành viên hiểu rằng:

  • Thành viên có thể tạo một tài khoản doanh nghiệp của mình để sử dụng.
  • Thành viên có thể sử dụng dịch vụ của Chương trình Digital Trust.

b. Thành viên đăng ký gắn Nhãn uy tín TrustMark

     Thành viên đăng ký gắn Nhãn uy tín TrustMark của Chương trình Digital Trust là doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên nền tảng số có nhu cầu xác minh uy tín về các mặt pháp lý, dịch vụ & sản phẩm, các chứng chỉ chứng nhận hoặc ứng dụng các dịch vụ công nghệ, … Đồng thời các tổ chức này khi được gắn Nhãn uy tín TrustMark sẽ được sử dụng cho mục đích truyền thông xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô kinh doanh tại Việt Nam và các thị trường trong khu vực.

3. Nhãn uy tín TrustMark

3.1. Quy trình gắn Nhãn TrustMark

a. Đăng ký tham gia Chương trình

Bước 1: Điền thông tin đăng ký: Doanh nghiệp hoặc tổ chức cần nộp hồ sơ đăng ký thông qua website Trustmark.vn của Chương trình Digital Trust (thường trực tuyến).

Bước 2: Chuẩn bị tài liệu liên quan:

  • Pháp lý của doanh nghiệp: Cần chuẩn bị thông tin chính xác bao gồm tên Thương nhân, địa chỉ, mã số thuế, lĩnh vực hoạt động, và các giấy phép kinh doanh liên quan, và các thông tin khác được yêu cầu.
  • Chứng chỉ, chứng nhận: Chứng minh tuân thủ các quy định ngành nghề (ISO, quy định bảo vệ người tiêu dùng, tiêu chuẩn an toàn), chứng nhận chứng chỉ ngành nghề khác (nếu có)
  • Cam kết tính minh bạch: Không sử dụng thông tin giả mạo, thông tin không được phép hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Bước 3: Thanh toán phí nộp hồ sơ trên website và nộp hồ sơ.

b. Đánh giá chi tiết

    Xem xét các loại giấy tờ: Xem xét các giấy tờ có trong hồ sơ, phối hợp các bên liên quan để xác định tính chính xác.

    Phỏng vấn, khảo sát hoặc tham khảo: Có thể yêu cầu trao đổi với người quản lý hoặc đại diện doanh nghiệp. Tham khảo từ các tổ chức khác như báo chí, hiệp hội, …

c. Thẩm định và phê duyệt

    Nếu đáp ứng tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ nhận được quyết định phê duyệt.

    Nếu không đạt yêu cầu, Ban tổ chức Chương trình Digital Trust có thể: Thông báo kèm lý do, ngoài ra có thể nếu doanh nghiệp, Thương nhân có nhu cầu hướng dẫn khắc phục sai sót. Cho phép nộp lại hồ sơ sau khi hoàn thiện.

d. Công nhận Nhãn TrustMark

   Sau khi được phê duyệt:

  • Doanh nghiệp được công nhận và có quyền sử dụng Nhãn TrustMark.
  • Ban tổ chức Chương trình sẽ cung cấp hướng dẫn về cách sử dụng Nhãn.
  • Thanh toán phí gắn Nhãn TrustMark.

   Thời hạn hiệu lực của Nhãn TrustMark: Trong 01 năm. Có thể gia hạn thêm theo từng năm tùy vào mục đích của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

f. Giám sát và duy trì

    Giám sát định kỳ: Tổ chức gắn Nhãn có thể kiểm tra doanh nghiệp theo lịch trình để đảm bảo duy trì tiêu chuẩn.

    Gia hạn Nhãn TrustMark: Nộp hồ sơ gia hạn trước khi hết hạn (1 tháng trước ngày hết hạn). Vẫn phải trải qua quy trình gắn nhãn với mọi thông tin đầy đủ theo bộ tiêu chí.

3.2. Điều kiện sử dụng Nhãn uy tín TrustMark:

a. Điều kiện bắt buộc:

  • Đăng ký kinh doanh hợp pháp: Thương nhân phải có đăng ký kinh doanh hợp pháp với cơ quan quản lý nhà nước, có mã số doanh nghiệp hoặc mã số hộ kinh doanh, có đăng ký/thông báo kinh doanh trực tuyến.
  • Cam kết tuân thủ 10 quy tắc kinh doanh trên nền tảng số: Đảm bảo thực hiện các quy tắc kinh doanh minh bạch, bảo vệ quyền lợi khách hàng, và tuân thủ quy định pháp luật.
  • Địa chỉ gian hàng trực tuyến: Bao gồm thông tin về website, sàn thương mại điện tử, hoặc các nền tảng kinh doanh khác (nếu có).
  • Không đang là bị đơn dân sự hoặc hình sự, không đang trong giai đoạn tạm giam, tại ngoại, thụ án, quản chế.

b. Điều kiện khuyến khích, không bắt buộc:

  • Chứng nhận về Công nghệ: Khuyến khích các tổ chức đạt được các chứng nhận uy tín trong lĩnh vực công nghệ.
  • Ứng dụng các Giải pháp Công nghệ đã được VINASA chứng nhận tại các Giải thưởng Sao Khuê, Giải thưởng Thành phố Thông minh.
  • Tín nhiệm mạng NCSC: Được phê duyệt và gắn tín nhiệm bởi Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia.
  • PCI DSS: Đạt tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu thanh toán.
  • NIST Cybersecurity Framework: Tuân thủ khung bảo mật không gian mạng theo tiêu chuẩn NIST.
  • Uy tín sản phẩm/dịch vụ: Dựa vào khiếu nại, đánh giá sản phẩm/dịch vụ trên trang Thông tin bảo vệ người tiêu dùng của Bộ Công thương (https://www.bvntd.gov.vn/), sàn thương mại điện tử (tỷ lệ dưới 4/5 sao) và mạng xã hội.
  • Các chứng chỉ/chứng nhận khác:
    • TCVN ISO 9001:2015 / ISO 9001:2015 và phiên bản sau.
    • ISO 27001:2013 và phiên bản sau.
    • GDPR: Tuân thủ Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU.
    • Các chứng nhận phù hợp khác tùy theo ngành nghề và lĩnh vực hoạt động.
  • Được gắn Nhãn hoặc có chứng nhận uy tín được các Sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế công nhận.

3.3. Quy định sử dụng Nhãn TrustMark

a. Kích thước và định dạng

     Kích thước tối thiểu: Nhãn TrustMark phải được hiển thị với kích thước đủ lớn để dễ dàng nhận diện và đọc được nội dung.

     Tỷ lệ chuẩn: Không được thay đổi tỷ lệ (kéo giãn, làm méo) của logo.

     Định dạng file: Sử dụng file hình ảnh chất lượng cao như PNG, SVG hoặc JPEG để tránh tình trạng mờ, nhòe. Có phiên bản dành riêng cho nền sáng hoặc nền tối, cần chọn đúng phiên bản phù hợp.

b. Vị trí hiển thị

     Trang web chính thức: Nhãn TrustMark có thể được đặt ở trang chính (homepage) hoặc các trang bán hàng có liên quan, thường là ở phần đầu trang (header), cuối trang (footer), hoặc khu vực dễ nhìn thấy. Ngoài ra có thể hiển thị bản công nhận Nhãn TrustMark bằng hình ảnh hoặc dạng PDF (tải xuống)

     Đường dẫn liên kết: Nhãn phải liên kết trực tiếp đến trang xác thực trên hệ thống quản lý TrustMark, nơi khách hàng có thể kiểm tra công nhận.

c. Màu sắc và thiết kế

    Giữ nguyên màu sắc gốc: Không được thay đổi màu sắc, phối màu hoặc chỉnh sửa thiết kế của Nhãn.

    Nền và độ tương phản: Nhãn phải được hiển thị trên nền có độ tương phản cao, đảm bảo dễ nhìn. Không đặt Nhãn trên nền họa tiết phức tạp hoặc hình ảnh gây rối mắt.

d. Ngữ cảnh sử dụng

    Không sử dụng sai mục đích:

  • Không được gắn Nhãn TrustMark trên sản phẩm hoặc dịch vụ không thuộc phạm vi được công nhận.
  • Không được sử dụng tem để ám chỉ các liên kết hoặc bảo chứng không đúng sự thật.

    Không làm mờ ý nghĩa: Nhãn không được hiển thị cùng với các yếu tố có thể gây nhầm lẫn về ý nghĩa hoặc giá trị công nhận.

e. Đăng ký và quản lý việc sử dụng

     Giới hạn quyền sử dụng: Nhãn chỉ được gắn cho Thương nhân đủ điều kiện, và phải được hiển thị theo đúng phạm vi đăng ký. Nhãn TrustMark chỉ áp dụng cho Thương nhân đã được gắn và không được chuyển nhượng cho bên khác.

     Giám sát và kiểm tra: Tổ chức quản lý TrustMark có quyền kiểm tra định kỳ việc sử dụng Nhãn và yêu cầu sửa đổi nếu phát hiện vi phạm.

4. Quy định tranh chấp khiếu nại Nhãn TrustMark

a. Quy định về nguyên tắc xử lý

    Trung thực và minh bạch: Các bên liên quan phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và hợp tác một cách trung thực trong suốt quá trình xử lý.

    Ưu tiên giải pháp hòa giải: Các tranh chấp nên được giải quyết thông qua thương lượng hoặc hòa giải trước khi tiến hành các biện pháp pháp lý.

    Tuân thủ pháp luật: Quy trình xử lý tranh chấp phải dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam.

b. Quy trình xử lý tranh chấp

Bước 1: Tiếp nhận khiếu nại:

     Bên khiếu nại (thường là khách hàng hoặc đối tác) gửi đơn khiếu nại, bao gồm đầy đủ thông tin: Mô tả tranh chấp; Bằng chứng liên quan (hóa đơn, hợp đồng, hình ảnh, email, v.v.).

Bước 2: Xác minh thông tin:

     Ban quản lý TrustMark kiểm tra tính xác thực của thông tin và bằng chứng cung cấp từ các bên. Có thể yêu cầu bổ sung tài liệu hoặc thông tin nếu cần.

Bước 3: Các mức độ không tuân thủ:

     Lỗi nghiêm trọng (Major Nonconformities): Gây ra rủi ro lớn về bảo mật hoặc không tuân thủ tiêu chuẩn quan trọng, ví dụ về an ninh thông tin hoặc quản lý người dùng.

     Lỗi nhẹ (Minor Nonconformities): Gây ra rủi ro thấp hơn và có thể khắc phục trong thời gian dài hơn.

Bước 4: Hành động khắc phục:

     Đối với lỗi nghiêm trọng, doanh nghiệp phải có kế hoạch hành động trong vòng 15 ngày và thực hiện kiểm tra lại trong vòng 30 ngày.

     Đối với lỗi nhẹ, kế hoạch hành động có thể kéo dài hơn và sẽ được kiểm tra lại trong cuộc kiểm định tiếp theo.

     Đối với doanh nghiệp/hộ kinh doanh không có hành động khắc phục, Chương trình Digital Trust sẽ rút lại Nhãn uy tín TrustMark bất kể Nhãn đang còn hạn và có thể ra mức phạt phù hợp.

c. Thời gian xử lý tranh chấp

     Thời gian phản hồi ban đầu: Trong vòng 7 – 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được khiếu nại.

     Thời gian giải quyết tranh chấp: Tùy thuộc vào mức độ phức tạp, quá trình xử lý tranh chấp thường hoàn tất trong vòng 30-60 ngày làm việc.

5. Quyền và nghĩa vụ của các bên

5.1. Bên khiếu nại:

     Cung cấp đầy đủ thông tin, bằng chứng và hợp tác trong quá trình giải quyết. Chấp nhận và tuân thủ quyết định cuối cùng từ Ban quản lý TrustMark hoặc cơ quan pháp luật.

5.2. Bên bị khiếu nại (Doanh nghiệp/Thương nhân):

     Đáp ứng kịp thời các yêu cầu từ Ban quản lý, cung cấp thông tin liên quan đến sản phẩm/dịch vụ. Chấp nhận các biện pháp xử lý nếu vi phạm được xác định.

5.3. Tổ chức quản lý Chương trình Digital Trust và Nhãn uy tín TrustMark:

     Đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong quá trình giải quyết. Thực hiện giám sát sau khi giải quyết để đảm bảo các biện pháp đã áp dụng được thực hiện đúng.

6. Hậu quả của việc không tuân thủ

6.1. Đối với Thương nhân:

      Nếu không hợp tác hoặc không tuân thủ quyết định xử lý, Thương nhân có thể bị:

  • Thu hồi nhãn TrustMark và chi trả chi phí khiếu nại
  • Công khai vi phạm trên hệ thống quản lý.
  • Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm nghiêm trọng.

6.2. Đối với bên khiếu nại:

      Nếu cung cấp thông tin sai lệch hoặc không hợp tác, khiếu nại có thể bị từ chối, mất quyền lợi liên quan và không được hoàn trả chi phí khiếu nại.

7. Bảo mật thông tin:

7.1. Chúng tôi cam kết không bao giờ bán, cấp phép, chia sẻ hoặc chuyển giao bất kỳ dữ liệu nào do người dùng cung cấp, dù trực tiếp hay gián tiếp, cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.

     Chương trình Digital Trust và Nhãn TrustMark VINASA là tổ chức phi chính phủ, hoàn toàn được sở hữu và điều hành bởi đội ngũ quản lý của VINASA, và sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động chia sẻ hay mua bán dữ liệu nào, hiện tại và tương lai.

7.2. Nếu không có yêu cầu cụ thể từ người dùng, chúng tôi không lưu trữ bất kỳ dữ liệu nào. Một số tính năng có thể yêu cầu lưu trữ dữ liệu, nhưng trong trường hợp đó, bạn sẽ được cung cấp toàn quyền kiểm soát để quyết định nội dung được lưu trữ, thời gian lưu trữ và phạm vi áp dụng.

     Bạn có thể tự do điều chỉnh các thông tin liên quan đến dữ liệu được lưu trữ, bao gồm nội dung, thời gian lưu trữ, và khu vực pháp lý áp dụng. Mọi báo cáo và nhật ký sẽ được tùy chỉnh linh hoạt theo nhu cầu của bạn. Chúng tôi cam kết minh bạch, giúp bạn dễ dàng truy cập, xuất hoặc chỉnh sửa dữ liệu cá nhân bất kỳ lúc nào.

7.3. Chúng tôi cam kết bảo vệ người dùng khỏi việc bị lộ thông tin cá nhân khi tương tác với các dịch vụ bên thứ ba cần thiết để hệ thống hoạt động hiệu quả.

     Chúng tôi đảm bảo tuân thủ Nghị định 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân trên hệ thống Digital Trust.

8. Quyền và nghĩa vụ của Ban tổ chức Chương trình Doanh nghiệp, Thương nhân uy tín – Digital Trust và Nhãn TrustMark

8.1. Quyền của Ban tổ chức Chương trình Doanh nghiệp, Thương nhân uy tín – Digital Trust và Nhãn uy tín TrustMark:

a. Quyền xây dựng và ban hành tiêu chuẩn

     Quyền thiết lập các tiêu chuẩn, nguyên tắc, và điều kiện tham gia Chương trình Digital Trust. Quyền thay đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh tiêu chuẩn khi cần thiết để phù hợp với sự phát triển của công nghệ và yêu cầu pháp lý.

b. Quyền công nhận, đình chỉ hoặc thu hồi

  • Công nhận và gắn Nhãn uy tín TrustMark cho các doanh nghiệp/tổ chức đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn.
  • Tạm đình chỉ công nhận trong trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ quy định hoặc có dấu hiệu vi phạm.
  • Thu hồi công nhận trong các trường hợp nghiêm trọng, như: Gian lận thông tin trong quá trình đăng ký; Sử dụng sai mục đích Nhãn uy tín TrustMark; Vi phạm các quy định pháp luật hoặc tiêu chuẩn đã cam kết.

c. Quyền giám sát và kiểm tra

     Quyền thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất với các bên tham gia để đảm bảo duy trì tiêu chuẩn. Quyền yêu cầu bên tham gia cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan đến hoạt động của Doanh nghiệp/ Hộ kinh doanh.

d. Quyền công khai thông tin

     Công khai danh sách các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sở hữu Nhãn TrustMark trên nền tảng số hoặc các phương tiện truyền thông chính thức. Công bố các trường hợp bị đình chỉ hoặc thu hồi Nhãn TrustMark nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cam kết đảm bảo bảo mật an toàn thông tin theo đúng pháp luật quy định.

e. Quyền thu phí

     Thu phí tham gia Nhãn uy tín TrustMark theo quy định mức phí và phương thức thanh toán minh bạch cho các bên tham gia.

f. Quyền hợp tác

     Hợp tác với các tổ chức quốc tế, chính phủ, hoặc đối tác thứ ba để phát triển và mở rộng Chương trình Digital Trust. Sử dụng chuyên gia hoặc đối tác độc lập trong quá trình kiểm định và giải quyết khiếu nại.

8.2. Nghĩa vụ

a. Thiết lập và công bố tiêu chuẩn

    Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy trình xét duyệt và yêu cầu đối với các bên tham gia một cách rõ ràng. Công khai và minh bạch các tiêu chuẩn này trên các kênh thông tin chính thức.

b. Xét duyệt và công nhận

    Bảo đảm quy trình được thực hiện công bằng, minh bạch, không thiên vị. Thực hiện xử lý hồ sơ đăng ký đúng thời hạn theo quy định. Công nhận và gắn Nhãn uy tín hoặc xác nhận trạng thái TrustMark cho các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn.

c. Bảo mật thông tin

    Đảm bảo rằng tất cả thông tin cá nhân hoặc doanh nghiệp do các bên tham gia cung cấp được bảo mật tuyệt đối. Không tiết lộ thông tin cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý của bên tham gia, trừ khi yêu cầu bởi pháp luật.

e. Hỗ trợ và Giải đáp thắc mắc

    Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức trong việc hiểu rõ các tiêu chuẩn và yêu cầu của Chương trình Digital Trust và Nhãn uy tín TrustMark. Cung cấp tài liệu hướng dẫn hoặc tổ chức hội thảo, tập huấn để nâng cao hiểu biết cho các bên tham gia.

f. Xử lý khiếu nại

   Tiếp nhận và xử lý các khiếu nại, thắc mắc từ doanh nghiệp, tổ chức hoặc người tiêu dùng liên quan đến Nhãn uy tín TrustMark. Đảm bảo mọi khiếu nại được giải quyết kịp thời, minh bạch và công bằng.

9. Quyền và Nghĩa vụ của Doanh nghiệp/Hộ kinh doanh tham gia vào Chương trình Doanh nghiệp, Thương nhân uy tín Digital Trust và Nhãn uy tín TrustMark

9.1. Quyền Doanh nghiệp/Hộ kinh doanh tham gia vào Chương trình Doanh nghiệp, Thương nhân uy tín Digital Trust và Nhãn uy tín TrustMark:

a. Sử dụng Giấy công nhận/Nhãn uy tín TrustMark

   Doanh nghiệp có quyền sử dụng Nhãn uy tín và công nhận TrustMark trong các hoạt động quảng bá và marketing của mình, nhằm xác nhận chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm, dịch vụ.

   Quảng bá tính minh bạch và bảo mật: Doanh nghiệp có thể sử dụng nhãn TrustMark để nhấn mạnh sự cam kết về bảo mật thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và tuân thủ các tiêu chuẩn ngành.

b. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp

   Khiếu nại về quy trình vận hành: Doanh nghiệp có quyền khiếu nại nếu cảm thấy quy trình vận hành của VINASA không công bằng, không minh bạch hoặc có sai sót.

   Bảo vệ thương hiệu và uy tín: Được bảo vệ khỏi việc bị gắn sai, lạm dụng nhãn TrustMark, hoặc bị lợi dụng bởi đối thủ cạnh tranh.

c. Yêu cầu hỗ trợ và tư vấn

   Hỗ trợ từ tổ chức quản lý: Doanh nghiệp có quyền yêu cầu tổ chức Chương trình Digital Trust cung cấp hướng dẫn hoặc tư vấn về các tiêu chuẩn cần đạt để duy trì nhãn TrustMark.

   Được tham gia các khóa đào tạo: Doanh nghiệp có quyền tham gia các khóa đào tạo, hội thảo, hoặc Chương trình hỗ trợ từ tổ chức quản lý để cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm.

d. Bảo mật thông tin doanh nghiệp

    Bảo mật thông tin: Doanh nghiệp có quyền yêu cầu tổ chức quản lý bảo mật các thông tin về sản phẩm, dịch vụ, quy trình hoạt động mà doanh nghiệp cung cấp trong suốt quá trình tham gia Chương trình Digital Trust.

9.2. Nghĩa vụ của Doanh nghiệp/Hộ kinh doanh tham gia vào Chương trình Doanh nghiệp, Thương nhân uy tín Digital Trust và Nhãn uy tín TrustMark

a. Duy trì tiêu chuẩn và cam kết

    Tuân thủ tiêu chuẩn: Doanh nghiệp có nghĩa vụ duy trì và tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn, quy trình và yêu cầu đã cam kết khi tham gia Chương trình Digital Trust và Nhãn uy tín TrustMark.

    Cập nhật thông tin đúng hạn: Doanh nghiệp phải đảm bảo rằng tất cả thông tin cung cấp trong quá trình tham gia Chương trình là chính xác và cập nhật. Trong trường hợp có thay đổi quan trọng (như thay đổi cơ cấu công ty, quy trình bảo mật), doanh nghiệp cần thông báo ngay cho Ban tổ chức Chương trình.

b. Hợp tác trong quá trình kiểm tra, giám sát

   Cung cấp tài liệu và hồ sơ: Doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ và chính xác tài liệu, hồ sơ yêu cầu từ tổ chức quản lý trong suốt quá trình giám sát và đánh giá.

c. Nghĩa vụ bảo vệ và bảo mật thông tin

    Bảo vệ dữ liệu người dùng: Doanh nghiệp có nghĩa vụ bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và các bên liên quan trong suốt quá trình tham gia chương trình Digital Trust. Điều này bao gồm việc tuân thủ các quy định về bảo mật và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

     Thực hiện các biện pháp bảo mật: Doanh nghiệp cần duy trì các hệ thống bảo mật cần thiết để đảm bảo an toàn cho dữ liệu của người tiêu dùng và các đối tác trong môi trường số.

d. Duy trì chất lượng dịch vụ/sản phẩm

    Chất lượng sản phẩm, dịch vụ: Doanh nghiệp có nghĩa vụ duy trì chất lượng của sản phẩm, dịch vụ tương ứng với các tiêu chuẩn của Nhãn uy tín TrustMark. Nếu có thay đổi về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, doanh nghiệp cần thông báo cho tổ chức quản lý để được kiểm tra lại.

    Chính sách bảo mật và quyền lợi người tiêu dùng: Doanh nghiệp phải tuân thủ chính sách bảo mật và cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo ra môi trường tin cậy trong các giao dịch số.

e. Tuân thủ các quy định pháp lý

    Tuân thủ luật pháp: Doanh nghiệp có nghĩa vụ tuân thủ tất cả các quy định pháp lý, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và các quy định liên quan đến bảo mật thông tin trong suốt quá trình hoạt động và khi tham gia Chương trình.

f. Nghĩa vụ bảo vệ Nhãn uy tín TrustMark

    Không lạm dụng Nhãn TrustMark: Doanh nghiệp không được phép sử dụng Nhãn uy TrustMark cho các mục đích không hợp lệ hoặc không phù hợp với mục đích ban đầu của chương trình Digital Trust.

    Đảm bảo tính minh bạch: Doanh nghiệp có nghĩa vụ minh bạch trong việc sử dụng Nhãn TrustMark và không làm cho người tiêu dùng hiểu sai về khả năng bảo mật hoặc chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình.

10. Điều khoản áp dụng

    Quy chế Chương trình Doanh nghiệp, Thương nhân uy tín – Digital Trust và Nhãn uy tín TrustMark chính thức có hiệu lực thi hành ngay sau khi được đăng tải lên website. VINASA có quyền và có thể thay đổi Quy chế này bằng cách đăng tải bản sửa đổi lên website https://www.trustmark/ cho các thành viên biết và thực hiện theo quy định pháp luật. Việc thành viên tiếp tục sử dụng dịch vụ sau khi Quy chế sửa đổi được công bố và thực thi đồng nghĩa với việc thành viên đã chấp nhận Quy chế sửa đổi này.

11. Điều khoản cam kết:

    Mọi thành viên và đối tác/Người tham gia Chương trình Doanh nghiệp, Thương nhân uy tín – Digital Trust và Nhãn uy tín TrustMark thì đồng nghĩa việc các bên có liên quan đã chấp thuận tuân theo quy chế này.

    Mọi thắc mắc của khách hàng xin vui lòng liên hệ với VINASA để được giải đáp.

12. Hỗ trợ Doanh nghiệp/Hộ kinh doanh Chương trình Doanh nghiệp, Thương nhân uy tín – Digital Trust và Nhãn uy tín TrustMark

Địa chỉ: Tầng 11 Cung trí thức Thành phố, Số 1 Tôn Thất Thuyết – Phường Dịch Vọng Hậu – Quận Cầu Giấy – Hà Nội.

Liên hệ: Mr. Bình Đỗ –  E-mail: binhdt@vinasa.org.vn

– HIỆP HỘI PHẦN MỀM VÀ DỊCH VỤ CNTT VIỆT NAM –

Bắt đầu hành trình khẳng định uy tín số cho doanh nghiệp bạn!

Liên hệ với chúng tôi