Tin tức

Tin nổi bật
Để kịp thời triển khai Thông tư 31 và 32/2025/TT-BTC từ ngày 1/6/2025, Cục Thuế yêu cầu các Chi cục tập trung phổ biến, hướng dẫn, chuẩn bị điều kiện thi hành đến tổ chức, cá nhân nộp thuế và cán bộ thuế.

Tăng cường quản lý tem điện tử

Ngày 31/5/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/2025/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2021/TT-BTC ngày 30/3/2021. Thông tư này tập trung vào việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá.

Cụ thể, Thông tư sửa đổi Điều 3 về mẫu tem và quy định về dán tem điện tử; sửa đổi Điều 5 về quản lý, mua bán tem điện tử thuốc lá nhập khẩu, tem điện tử rượu nhập khẩu; sửa đổi Điều 6 về quản lý tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và sửa đổi Điều 7 về kinh phí in tem.

Đồng thời, quy định khi tổ chức, cá nhân xuất tem cho bộ phận sản xuất thì tổ chức, cá nhân phải quét mã QR gắn trên thùng tem hoặc Block tem hoặc con tem, đồng thời nhập các dữ liệu để đảm bảo kết nối thông tin về dữ liệu tem điện tử được truyền về Hệ thống quản lý tem điện tử.

Về biểu mẫu, Thông tư thay thế Mẫu số 02/TEM, Mẫu số 04/TEM, Mẫu số 07/TEM ban hành kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BTC bằng các mẫu tương ứng mới ban hành kèm theo Thông tư số 31/2025/TT-BTC. Đồng thời, bãi bỏ Mẫu số 03/TEM và Mẫu số 05/TEM của Thông tư cũ.

Giao dịch hóa đơn điện tử áp dụng quy định mới

Thông tư số 32/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/6/2025, thay thế Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021. Cục Thuế nê một số nội dung trọng tâm cần lưu ý.

Thứ nhất, kể từ ngày 1/6/2025, tổ chức khai thuế thu nhập cá nhân phải ngừng sử dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân điện tử đã thực hiện theo các quy định trước đây và chuyển sang áp dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân điện tử theo quy định tại Nghị định số 70/2025/NĐ-CP ngày 20-3-2025 của Chính phủ.

Thứ hai, trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử đã ký hợp đồng với cơ quan thuế trước ngày 1/7/2023 thì Cục Thuế yêu cầu tổ chức tiếp tục thực hiện theo hợp đồng cho đến ngày 1/7/2025.

Thứ ba, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng thuộc đối tượng quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ, sẽ sử dụng hóa đơn điện tử từ khởi tạo từ máy tính tiền từ thời điểm cơ quan thuế chấp nhận đăng ký sử dụng. Trường hợp đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền với cơ quan thuế trước ngày 1/6/2025 thì tiếp tục sử dụng.

Thứ tư, trường hợp doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ, ăn uống, khách sạn, vận tải, chiếu phim, vui chơi, giải trí…) thì phải đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế phục vụ hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. Nếu trước ngày 1/6/2025 đã chọn chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP thì tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử đã đăng ký.

Lãnh đạo Cục Thuế yêu cầu các Chi cục trưởng chủ động triển khai, thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới của hai Thông tư nêu trên đến người nộp thuế, công chức thuế, chuẩn bị đầy đủ điều kiện bảo đảm thi hành từ ngày 1/6/2025.

Ngoài ra, Cục Thuế cho biết: Sẽ có văn bản giới thiệu chi tiết các điểm mới của Thông tư số 31/2025/TT-BTC và Thông tư số 32/2025/TT-BTC để các Chi cục Thuế tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng người nộp thuế và công chức thuế.

Từ các công cụ hỗ trợ hàng ngày đến kính thông minh, AI mở ra thế giới cơ hội, giúp họ độc lập và tự tin cạnh tranh.

 

Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ kỹ thuật số đang làm thay đổi mọi lĩnh vực, một trong những ứng dụng ý nghĩa và nhân văn nhất lại đang diễn ra một cách âm thầm, đó là công nghệ hỗ trợ cho người khuyết tật. Không chỉ giúp họ tiếp cận thông tin, học tập hay làm việc hiệu quả hơn, những công nghệ mới, đặc biệt là các công cụ tích hợp AI, đang từng bước mở rộng thế giới, xóa bỏ rào cản, và mang đến cho hàng triệu người một cuộc sống độc lập, tự tin và đầy cơ hội.

Tại Fredericton, Kevin Carrier là một trong những người đi tiên phong trong làn sóng công nghệ hỗ trợ này. Là chuyên gia công nghệ hỗ trợ tại tổ chức Vision Loss Rehabilitation Canada, Carrier truyền cảm hứng ngay từ trên bục giảng. Ông mắc bệnh Stargardt, một dạng thoái hóa điểm vàng gây mất thị lực, và chính trải nghiệm đó giúp ông hiểu sâu sắc những thách thức người khuyết tật gặp phải khi bước ra ngoài thế giới.

Kevin Carrier, chuyên gia công nghệ hỗ trợ của Vision Loss Rehabilitation tại New Brunswick, cho biết những tiến bộ công nghệ đang mang lại sự tự tin và độc lập hơn cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày Ảnh: Allyson McCormack/CBC.

Trong công việc hàng ngày, Carrier hướng dẫn khách hàng sử dụng các phần mềm có khả năng đọc văn bản, phóng to màn hình, chuyển chữ thành giọng nói, tóm tắt tài liệu, hoặc sắp xếp thông tin một cách trực quan và dễ hiểu. Những công cụ này có thể tạo ra sự khác biệt to lớn cho người khiếm thị, khiếm thính, hay người mắc chứng khó tiếp thu hoặc khó tập trung.

Công nghệ hỗ trợ không chỉ giúp bạn làm được việc”, Carrier nói, “mà quan trọng hơn, là giúp bạn làm việc đó trong khi vẫn có thể cạnh tranh với người lành lặn và không cần đến sự giúp đỡ của người khác”.

Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất là kính thông minh tích hợp AI, có giá khoảng 400 USD. Thiết bị này không chỉ sở hữu camera, loa ngoài, micro và bảng điều khiển cảm ứng, mà còn có khả năng mô tả môi trường xung quanh bằng trí tuệ nhân tạo. Với người khiếm thị, cặp kính mở ra một “thế giới hoàn toàn mới”.

Theo Carrier, những công nghệ như vậy đang giúp “mở khóa rất nhiều cơ hội và khả năng cho người dùng”. Điều này đặc biệt quan trọng khi nhìn vào thực tế: theo tổ chức Thống kê Canada, hơn 35% dân số tỉnh New Brunswick sống chung với khuyết tật, nhưng chỉ 46% trong số đó có việc làm. Công nghệ, nếu được hiểu đúng và sử dụng đúng, có thể chính là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách đó.

Carrier tin rằng “chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để xã hội chấp nhận người khuyết tật và cả công nghệ hỗ trợ họ”.

Tôi nghĩ nếu giúp các nhà tuyển dụng và nhà giáo dục hiểu được tiềm năng của công nghệ hỗ trợ nói chung, chúng ta có thể xóa bỏ những định kiến, góp phần hạn chế thiên kiến với một số nhóm người nhất định”.

Những hiểu nhầm không đáng có

Charles Levasseur, chuyên gia công nghệ hỗ trợ tại tổ chức phi lợi nhuận Neil Squire Society ở Moncton, cũng là một người tiên phong trong lĩnh vực này. Ông đã làm việc với công nghệ từ thời MS-DOS vào những năm 1980, nhưng theo ông, chưa có giai đoạn nào công nghệ hỗ trợ lại phát triển nhanh và mạnh như hiện tại. Ngày nay, tốc độ phát triển đặc biệt nhanh với sự xuất hiện của AI.

Charles Levasseur, chuyên gia công nghệ hỗ trợ của Neil Squire Society, mong muốn thấy nhiều nhà tuyển dụng đón nhận công nghệ mới hơn nữa – Ảnh: Allyson McCormack/CBC.

Tuy nhiên, Levasseur cảnh báo rằng AI vẫn đang bị hiểu lầm và lạm dụng. Việc sử dụng các công cụ như Grammarly (vốn sử dụng AI để hỗ trợ tạo sinh nội dung) đang bị một số trường học cấm đoán: họ cho rằng học sinh dựa dẫm quá nhiều vào công nghệ. Nhưng theo ông, đây là một con dốc trơn trượt, có thể khiến người đi sa đà vào những xu hướng bất lợi.

Thay vì ngăn cản sử dụng ngay từ đầu hãy tìm cách áp dụng nó theo cách hợp lý và được chấp nhận”, ông nhận định.

Với Levasseur, điều cần thiết là phải nâng cao hiểu biết số cho mọi người, không chỉ để sử dụng công nghệ đúng cách mà còn để tránh những quyết định cực đoan. Bởi nếu không, chính những người thực sự cần công nghệ hỗ trợ sẽ bị ảnh hưởng.

Đáng mừng là nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ hiện nay đã được tích hợp sẵn trong điện thoại, máy tính bảng và máy tính cá nhân, từ công cụ đọc màn hình đến nhận diện giọng nói. Ngoài ra, nhiều tổ chức và chương trình hỗ trợ tài chính cũng đang giúp người dùng tiếp cận các phần mềm và thiết bị chuyên biệt hơn với chi phí hợp lý.

Và tương lai thì đang đến rất gần.

Tương lai xán lạn cho người yếu thế

Carrier không giấu được sự háo hức khi nói về bước tiếp theo của công nghệ hỗ trợ: “Bước tiến tiếp theo mà nhiều công ty đang hướng tới là AI phản hồi theo thời gian thực … kiểu như ‘Bạn có thể băng qua đường bây giờ’ hoặc ‘Phía trước có vật cản’”.

Ông thậm chí còn tự hỏi liệu một ngày nào đó công nghệ này có thể thay thế chó dẫn đường hay không. Với khả năng định hướng, nhận diện vật thể, và giao tiếp ngôn ngữ tự nhiên, những trợ lý ảo thế hệ mới có thể giúp người khiếm thị tự đi lại, mua sắm, đọc thư, và sống một cách độc lập hơn bao giờ hết.

Bàn phím chữ nổi được sử dụng bởi một số người có thị lực kém. Nó kết nối với máy tính, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, và sử dụng các chốt cơ học nhô lên và thụt xuống để biểu thị các chữ cái và từ khác nhau – Ảnh: Shane Fowler/CBC.

“Khi đó, người khiếm thị, người thị lực yếu hay bất kỳ ai cũng có thể điều hướng trong nhà, nơi làm việc, cộng đồng, tự đi mua sắm, đọc thư khi nhận được… Tôi nghĩ điều đó không chỉ cực kỳ hay ho, mà còn cực kỳ quan trọng. Và tôi thật sự háo hức chờ xem điều gì đang đến gần”, ông nhận định.

Việc ứng dụng AI trong hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam

Tại Việt Nam, việc ứng dụng AI trong hỗ trợ người khuyết tật đang ngày càng ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể, góp phần thu hẹp khoảng cách số và mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ cho nhóm đối tượng yếu thế này. Theo số liệu năm 2024 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 28,9% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, và khoảng 10% thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Mặc dù còn nhiều thách thức, tỷ lệ người khuyết tật có truy cập internet vào năm 2023 đã đạt 33,6%, và tỷ lệ sở hữu điện thoại di động tăng lên 53,7%, so với mức 38,9% vào năm 2016.

Nhiều sáng kiến ứng dụng AI đang được triển khai hiệu quả, nổi bật là cuộc thi “Microsoft AI cho người khuyết tật” (AI4A Hackathon) do Microsoft Việt Nam phối hợp với Trường Đại học RMIT Việt Nam tổ chức. Đây là sân chơi công nghệ mang tầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được triển khai từ năm 2019 nhằm tìm kiếm những giải pháp sáng tạo sử dụng AI để cải thiện cuộc sống hằng ngày của người khuyết tật. 

Năm 2024, đội Respectability gồm ba sinh viên RMIT Việt Nam đã giành giải quán quân tại Việt Nam với giải pháp SightSence Technology – một công nghệ kính đeo tích hợp camera và gậy cảm biến, có khả năng chuyển dữ liệu hình ảnh thành thông tin xúc giác qua màn hình chữ nổi Braille, hỗ trợ người mù di chuyển và nhận biết môi trường xung quanh. 

Respectability xuất sắc giành chiến thắng cuộc thi phát triển các giải pháp AI dành cho người khuyết tật của Microsoft – Ảnh: Microsoft.

Song song với các sáng kiến công nghệ chuyên biệt, các chương trình phổ cập công nghệ số cũng đang được đẩy mạnh để tăng cường năng lực số cho cộng đồng, bao gồm cả người khuyết tật. Nền tảng “Bình dân học vụ số” ra đời từ ngày 26-3 với mục tiêu mang tri thức số đến từng nhà, hướng dẫn người dân – đặc biệt là người lớn tuổi, người ở vùng sâu, vùng xa – sử dụng smartphone, truy cập internet và các dịch vụ số thiết yếu. Nền tảng này tích hợp với hệ thống định danh VNeID và có khả năng phục vụ đồng thời 40.000 người học, đồng thời giúp giảm đến 80% chi phí đào tạo. 

Trong thời đại mà AI đang làm thay đổi thế giới từng ngày, có lẽ một trong những sứ mệnh đẹp đẽ nhất của công nghệ chính là trao lại cho con người khả năng mà họ từng mất, đồng thời mở ra những khả năng mới mà trước kia chưa từng có. Công nghệ hỗ trợ, khi được kết hợp đúng cách với AI, không chỉ là một công cụ kỹ thuật. Nó là một lời khẳng định: rằng mọi người – dù ở hoàn cảnh nào – đều xứng đáng được trao cơ hội bình đẳng để sống, làm việc và phát triển.

Microsoft đã bắt đầu triển khai khả năng “tiên đoán” này trên ứng dụng MSN Weather.

Trong nỗ lực hiểu thấu lòng thiên nhiên, Microsoft vừa công bố Aurora, một mô hình trí tuệ nhân tạo có khả năng dự báo thời tiết với độ chính xác và tốc độ vượt xa những hệ thống khí tượng truyền thống.

Được huấn luyện bằng hơn một triệu giờ dữ liệu từ vệ tinh, radar, trạm thời tiết và các mô phỏng, Aurora không chỉ đọc được “ngôn ngữ” của khí quyển mà còn có được tinh chỉnh bằng dữ liệu bổ sung, qua đó đưa dự đoán cụ thể cho từng hiện tượng thời tiết.

Tuy không phải là người tiên phong duy nhất trong lĩnh vực này (với Google DeepMind cũng từng ra mắt mô hình WeatherNext) nhưng Microsoft tự tin định vị Aurora là một trong những ứng viên xuất sắc nhất hiện nay. Và họ có cơ sở để khẳng định như vậy.

Trong thử nghiệm, Aurora đã vượt qua một số dự báo chuyên gia khi dự đoán thời điểm bão Doksuri đổ bộ vào Philippines sớm hơn bốn ngày so với thực tế. Không chỉ dừng lại ở đó, mô hình này còn thể hiện ưu thế rõ rệt khi so sánh với Trung tâm Bão Quốc gia Hoa Kỳ trong mùa bão 2022-2023, và thậm chí còn dự báo chính xác trận bão cát tại Iraq năm 2022.

Một điểm cộng đáng chú ý: Aurora có thể cho ra kết quả dự báo chỉ trong vài giây, tốc độ vượt trội khi so với các hệ thống truyền thống, vốn sử dụng siêu máy tính nhưng phải tốn tới hàng giờ phân tích. Theo ước tính của các chuyên gia, Aurora đưa ra dự báo nhanh hơn mô hình truyền thống tới 5.000 lần.

Nó có tiềm năng tạo ra tác động rất lớn vì chúng ta có thể tinh chỉnh mô hình này theo đúng nhiệm vụ mà họ quan tâm, dù đó là dự báo ở phạm vi rất nhỏ, độ phân giải cao, hay mô phỏng lũ lụt chẳng hạn, đặc biệt tại các quốc gia chưa được phục vụ tốt bởi những hệ thống dự báo thời tiết hiện có”, Megan Stanley, nhà nghiên cứu lão thành tại Microsoft Research nói.

Mô hình AI dự báo thời tiết của Microsoft đạt độ chính xác cao – Ảnh: Microsoft.

Microsoft đã công khai mã nguồn và trọng số của của mô hình, đồng thời đang tích hợp một phiên bản chuyên dụng của Aurora vào ứng dụng MSN Weather, giúp người dùng có thể nhận dự báo theo giờ.

Aurora không đơn thuần là một mô hình AI. Nó là minh chứng cho tương lai nơi công nghệ không chỉ phân tích quá khứ, mà còn mở đường cho những dự đoán chính xác hơn, nhanh hơn. Tác động của Aurora và những hệ thống tương tự sẽ giúp nhân loại chuẩn bị tốt hơn trước thiên nhiên ngày một khó lường.

Nghiên cứu về hệ thống AI Aurora đã dược đăng tải trên tạp chí khoa học Nature.

 

Theo ông Nadella, cấu trúc phần mềm truyền thống đã trở nên lỗi thời trước sự xuất hiện của AI và tác nhân AI.

Satya Nadella, CEO của Microsoft, vừa đưa ra một tuyên bố có thể làm rung chuyển toàn bộ ngành công nghệ thông tin: “Lớp ứng dụng truyền thống đang sụp đổ thành các Tác nhân AI (AI Agent).” Câu nói ngắn gọn này không chỉ là một dự đoán mà còn là lời tuyên chiến với cách chúng ta sử dụng công nghệ trong suốt ba thập kỷ qua.

Để hiểu được tầm quan trọng của tuyên bố này, chúng ta cần nhìn lại cách các ứng dụng truyền thống được xây dựng. Trong kiến trúc phần mềm thông thường, một ứng dụng thường có ba tầng chính: tầng giao diện người dùng (User Interface), tầng logic nghiệp vụ (Business Logic) và tầng dữ liệu (Database).

Tầng giao diện là nơi người dùng tương tác với ứng dụng thông qua các nút bấm, menu và biểu mẫu. Tầng logic nghiệp vụ chứa các quy tắc và quy trình xử lý thông tin, quyết định ứng dụng sẽ phản ứng như thế nào với các hành động của người dùng. Cuối cùng, tầng dữ liệu lưu trữ và quản lý toàn bộ thông tin mà ứng dụng cần.

 Theo ông Nadella, các tác nhân AI đang sắp chiếm lĩnh thế giới

Theo ông Nadella, những gì đang xảy ra ngay bây giờ là tầng logic nghiệp vụ – trái tim của mọi ứng dụng – đang được chuyển giao cho các Tác nhân AI. Điều này có nghĩa là thay vì phải học cách sử dụng hàng chục ứng dụng khác nhau với các giao diện phức tạp, người dùng chỉ cần giao tiếp với một Tác nhân AI thông minh có khả năng truy cập và điều phối dữ liệu từ mọi nguồn.

Hãy tưởng tượng sự khác biệt này qua một ví dụ cụ thể. Hiện tại, để hoàn thành một nhiệm vụ công việc đơn giản, bạn có thể phải mở Slack để kiểm tra tin nhắn, sau đó chuyển sang Notion để cập nhật trạng thái dự án, rồi mở Calendar để lên lịch họp, cuối cùng có thể phải vào Excel để cập nhật báo cáo.

Mỗi lần chuyển đổi giữa các ứng dụng đều đòi hỏi bạn phải thay đổi cách suy nghĩ, nhớ lại giao diện và thao tác khác nhau. Trong tương lai mà ông Nadella hình dung, bạn chỉ cần nói với AI agent: “Cập nhật trạng thái dự án và lên lịch họp nhóm vào ngày mai,” và mọi thứ sẽ được xử lý tự động qua một lệnh duy nhất.

Microsoft đang hiện thực hóa tầm nhìn này thông qua cái mà họ gọi là “AI Tier” – một lớp mới nơi các AI agents tồn tại và hoạt động như những người điều phối viên thông minh giữa tất cả các công cụ và dịch vụ. Trong kiến trúc này, các ứng dụng như CRM, email, lịch, và công cụ thiết kế không còn là những thực thể độc lập mà trở thành những nguồn dữ liệu được Tác nhân AI truy cập và sử dụng. Người dùng sẽ tương tác với Tác nhân AI như một giao diện universal duy nhất.

Những tác nhân AI như Copilot sẽ trở thành giao diện người dùng khi tương tác với AI và phần mềm bên dưới

Sự chuyển đổi này đã bắt đầu rõ ràng trong chính hệ sinh thái của Microsoft. Ông Nadella tiết lộ rằng “Microsoft 365 đang trở thành một IDE (môi trường phát triển tích hợp) với chat,” có nghĩa là bộ công cụ phần mềm Office Suite quen thuộc đang được biến đổi thành một môi trường lập trình nơi người dùng có thể “lập trình” bằng ngôn ngữ tự nhiên thay vì phải click chuột và điều hướng qua các menu phức tạp. Copilot Studio, công cụ mới của Microsoft, cho phép người dùng xây dựng các AI agents tùy chỉnh mà không cần biết một dòng code nào.

Tác động của cuộc cách mạng này đối với các công ty SaaS (Software as a Service) là cực kỳ sâu sắc. Thay vì bán những giải pháp hoàn chỉnh với giao diện đầy đủ như trước đây, các công ty này sẽ phải chuyển đổi thành “những người quản lý dữ liệu chuyên ngành” mà các Tác nhân AI có thể truy cập.

Theo ông Nadella, các nền tảng SaaS truyền thống đã lỗi thời

Một ví dụ của điều này là thay vì người dùng mở Excel và tạo biểu đồ thủ công, bạn có thể nói: “Agent, tạo báo cáo doanh số quý này từ dữ liệu CRM và hiển thị dưới dạng biểu đồ cột”. Sau đó, Tác nhân AI được gọi sẽ truy cập API của Excel, lấy dữ liệu từ hệ thống CRM, xử lý và tạo ra báo cáo hoàn chỉnh.

Tương tự như vậy, theo tầm nhìn của ông Nadella, các công cụ và ứng dụng yêu thích của chúng ta sẽ không biến mất hoàn toàn, nhưng chúng sẽ trở thành cơ sở hạ tầng vô hình hoạt động đằng sau màn hình.

Tuy nhiên, đằng sau những lời hứa hẹn về năng suất và tiện lợi này là một câu hỏi về quyền lực và kiểm soát. Ông Nadella thừa nhận một sự thật khó chối cãi: “Ai kiểm soát các Tác nhân AI sẽ kiểm soát mọi thứ.”

Microsoft đang mở rộng hệ thống quản lý danh tính và bảo vệ dữ liệu của mình để bao gồm cả các Tác nhân AI. Điều này có nghĩa là nếu các nhà phát triển xây dựng ứng dụng trên nền tảng Microsoft, họ sẽ phụ thuộc vào Microsoft trong việc điều phối và quản lý toàn bộ hệ thống.

Cuối cùng, ông tin rằng các tác nhân AI sẽ thay thế phần mềm

Khía cạnh kinh tế của cuộc cách mạng này cũng đáng chú ý. Ông Nadella dự đoán rằng “chi phí gần như bằng không của AI sẽ mở khóa những lợi ích năng suất đáng kể.” Khi các AI agents chỉ tốn vài xu để thực hiện những quy trình phức tạp, mọi quy trình kinh doanh sẽ được tái tưởng tượng hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn còn một chi phí ẩn mà ít ai nhắc đến: mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ để vận hành những hệ thống AI này.

Đối với các nhà phát triển và startup, ông Nadella khuyên họ nên thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận. Thay vì xây dựng những ứng dụng độc lập, họ cần tập trung vào việc phát triển các công cụ tương thích với AI agents. Điều này có nghĩa là ưu tiên việc xây dựng API dữ liệu mạnh mẽ hơn là giao diện người dùng đẹp mắt, thiết kế cho khả năng điều phối hơn là hoạt động độc lập, và tư duy về tự động hóa quy trình thay vì tập trung vào từng tính năng riêng lẻ.

Microsoft đặt cược rằng sự chuyển đổi này sẽ xảy ra trong vòng 2 đến 3 năm tới. Những công ty SaaS không thích ứng với kỷ nguyên AI agents có nguy cơ trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, trong khi các gã khổng lồ công nghệ đang cạnh tranh gay gắt để kiểm soát lớp điều phối Tác nhân AI, vẫn còn nhiều cơ hội cho các nhà phát triển nhỏ hơn trong việc tạo ra các công cụ agents chuyên biệt, dữ liệu đào tạo chuyên ngành, tối ưu hóa quy trình agents, và các framework bảo vệ quyền riêng tư.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà ông Nadella muốn truyền tải không phải là về việc tạo ra những chatbot AI tốt hơn, mà là về việc thay đổi căn bản cách con người tương tác với công nghệ. Đây là cuộc cách mạng về giao diện người-máy lớn nhất kể từ khi chuột máy tính được phát minh. Những công ty nào hiểu được điều này trước tiên sẽ có cơ hội xây dựng thế hệ doanh nghiệp tỷ đô tiếp theo.

Khi ông Nadella tuyên bố “Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên agents,” ông không chỉ đang mô tả một xu hướng công nghệ mà đang định hình lại toàn bộ tương lai của ngành phần mềm. Câu hỏi không còn là liệu điều này có xảy ra hay không, mà là bạn có sẵn sàng cho một thế giới mà các ứng dụng như chúng ta biết sẽ trở thành di tích của quá khứ.

Trước nhu cầu ngày càng tăng về lực lượng tác chiến mạng, Australia áp dụng cơ chế trả lương mới nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Ngày 27/5, Bộ Quốc phòng Australia thông báo, nước này đang triển khai một cơ chế trả lương mới dựa trên kỹ năng, nhằm xây dựng một lực lượng tác chiến trên không gian mạng mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môi trường an ninh mạng hiện đại.

Mô hình lương mới được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm của các nhân sự trong lĩnh vực then chốt này.

Bộ Quốc phòng Australia nhận định, không gian mạng là một môi trường tác chiến đặc thù, mang tính kỹ thuật cao và đầy thách thức. Trước nhu cầu ngày càng tăng về lực lượng tác chiến mạng, cơ quan này nhấn mạnh sự cần thiết của một phương thức tuyển dụng mới, toàn diện, linh hoạt và chuyên biệt hơn nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Khung lương mới cho phép các chuyên gia và sĩ quan trong lĩnh vực tác chiến mạng được hưởng chế độ đãi ngộ tương xứng với trình độ và kỹ năng chuyên môn. Mô hình này được thiết kế nhằm giải quyết tốt hơn tình trạng thiếu hụt nhân sự, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chuyên sâu về năng lực, phù hợp với đặc điểm đặc thù của không gian mạng.

Năm ngoái, Australia đã thành lập Mạng lưới An ninh mạng quốc gia, do một Ủy ban Đánh giá sự cố an ninh mạng, một cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ điều hành, tiến hành các cuộc điều tra, đánh giá các sự cố an ninh mạng, đồng thời tham mưu cho Chính phủ các giải pháp hữu hiệu trong bảo vệ người dân và các cơ quan, tổ chức tại Australia trước tình trạng tội phạm mạng đang ngày càng nghiêm trọng.

Trước đó, vào năm 2023, Australia tuyên bố kiểm tra tình trạng an ninh mạng của các doanh nghiệp nhỏ, tăng cường hỗ trợ thực thi các luật không gian mạng. Đây là những biện pháp bắt buộc theo chiến lược cải cách an ninh mạng được Chính phủ liên bang Australia công bố.

Các công ty viễn thông bị áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn về báo cáo an ninh mạng tương tự như các cơ sở trọng yếu, tuyển dụng nhân tài từ nhóm người nhập cư để xây dựng lực lượng nhân viên an ninh mạng và đặt ra những giới hạn trong chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chính phủ để khuyến khích người dân thông báo về các sự cố.

Cũng trong năm 2023, Australia đã xảy ra 2 sự cố rò rỉ dữ liệu ở các công ty khiến gần 50% trong tổng dân số 26 triệu người ở nước này bị đánh cắp dữ liệu cá nhân.

Chỉ trong năm tài chính 2023 – 2024, các báo cáo về tội phạm mạng tại Australia đã đạt con số 94.000 vụ việc, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, cứ trung bình 6 phút thì có ít nhất một vụ tấn công mạng được ghi nhận tại Australia.

Cảnh báo

Apple đối mặt với vụ kiện vì quảng cáo sai sự thật về Apple Intelligence, khi nhiều tính năng AI được hứa hẹn vẫn chưa khả dụng sau nhiều tháng.

Đơn kiện được đệ trình ngày 19/3 tại Tòa án Quận Hoa Kỳ ở San Jose, yêu cầu xét xử theo diện tập thể và đòi bồi thường thiệt hại cho những khách hàng đã mua iPhone và các thiết bị khác có hỗ trợ Apple Intelligence nhưng chưa nhận được đầy đủ các tính năng như Apple cam kết.

Theo nguyên đơn, Apple đã tạo ra kỳ vọng lớn trong lòng người tiêu dùng rằng các tính năng AI tiên tiến sẽ có mặt ngay khi sản phẩm được tung ra thị trường.

“Các quảng cáo của Apple khiến người dùng tin rằng những tính năng đột phá này sẽ sẵn sàng khi iPhone được phát hành.

Tuy nhiên, trái với tuyên bố của Apple về khả năng AI tiên tiến, các thiết bị được trang bị Apple Intelligence bị hạn chế đáng kể hoặc hoàn toàn không có, khiến người tiêu dùng hiểu lầm về hiệu suất và tính hữu dụng thực tế của công nghệ này”, đơn kiện nêu rõ.

Dù Apple đã gỡ bỏ một số quảng cáo, công ty vẫn chưa thu hồi hoàn toàn những tuyên bố bị cho là gây hiểu lầm từ mùa hè năm 2024. Nguyên đơn cũng cho rằng Apple chưa đưa ra bất kỳ biện pháp nào để bồi thường cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi những quảng cáo sai lệch này.

Đây không phải lần đầu Apple vướng vào tranh cãi liên quan đến việc triển khai tính năng mới. Tuy nhiên, vụ kiện lần này diễn ra trong bối cảnh công ty gặp nhiều khó khăn trong quá trình đưa Apple Intelligence ra thị trường.

Hàng loạt tính năng AI được quảng bá trong bộ Apple Intelligence, từng được giới thiệu năm ngoái như một điểm nhấn để bán iPhone 16 Series, đến nay vẫn chưa được cung cấp cho người dùng (Ảnh: 9to5Mac)

Theo Bloomberg, CEO Tim Cook được cho là “đã mất niềm tin” vào ông John Giannandrea, Giám đốc phụ trách AI của Apple, do tiến độ chậm trễ trong quá trình phát triển sản phẩm. Điều này càng làm dấy lên lo ngại về vị thế của Apple trong cuộc đua AI khi các đối thủ như Google và Microsoft liên tục ra mắt những công nghệ tiên tiến.

Nhà phân tích Ming-Chi Kuo nhận định, những nỗ lực phát triển Apple Intelligence chưa giúp Apple thúc đẩy doanh số bán iPhone mới.

Những nguồn tin từ chuỗi cung ứng cho biết phần lớn người dùng không quan tâm đến các tính năng AI khi mua một mẫu máy mới. Một khảo sát từ SellCell thậm chí chỉ ra rằng hầu hết người dùng vẫn chưa nhận thấy giá trị thực sự từ Apple Intelligence.

“Apple đã không thể duy trì được sự hào hứng của người dùng sau lần công bố Apple Intelligence tại WWDC 2024. Các đối thủ đã có những bước tiến quá nhanh chỉ trong vài tháng sau đó”, ông Kuo nhận xét.

Apple đã triển khai các tính năng của Apple Intelligence theo từng giai đoạn. Trên phiên bản iOS 18.1, hãng đã ra mắt trình soạn thảo văn bản và công cụ tóm tắt nội dung. Với iOS 18.2, Apple bổ sung thêm Genmoji, Image Playgrounds và tích hợp ChatGPT.

Nguồn: CafeF

Google vừa khởi kiện một nhóm đối tượng bị cáo buộc tạo hàng nghìn doanh nghiệp ảo trên Google Maps nhằm thu thập và bán thông tin cá nhân của người dùng.

Theo Business Insider, “gã khổng lồ” công nghệ Google đã đệ đơn kiện Yaniv Asayag, một cư dân bang Maryland (Mỹ), cùng khoảng 20 đồng phạm, với cáo buộc dựng lên hàng loạt doanh nghiệp giả mạo trên Google Maps để lừa đảo người dùng.

Đơn kiện trình lên tòa án liên bang California (Mỹ) nêu rõ nhóm này liên tục thực hiện các hành vi gian lận, lợi dụng nền tảng của Google để tạo và chỉnh sửa danh sách doanh nghiệp. Các doanh nghiệp giả chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ khẩn cấp như sửa chữa điều hòa, cứu hộ xe và sửa khóa.

Nhóm này đã thao túng hệ thống bằng cách tạo các trang doanh nghiệp giả, đăng tải hàng loạt đánh giá tích cực ảo để thu hút khách hàng. Khi người dùng liên hệ, thông tin cá nhân của họ sẽ bị thu thập và bán cho các công ty tiếp thị.

Đáng chú ý, Google cáo buộc rằng thông tin này còn có thể bị bán cho các doanh nghiệp hoạt động thiếu minh bạch, như tính phí quá cao hoặc tống tiền. Theo Google, tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực dịch vụ là “rất phổ biến”, chủ yếu do các chiêu trò tạo khách hàng tiềm năng giả mạo.

Google đang gỡ bỏ hơn 10.000 doanh nghiệp giả mạo trên Google Maps (Ảnh: NurPhoto/Getty Images)

Một ví dụ được Google đưa ra là doanh nghiệp giả mạo “ByDennis Cleaner”, chỉ một tháng sau khi được tạo đã đổi tên thành “MS Locksmith”. Trong vòng một năm, nhóm này đã chỉnh sửa thông tin của gần 150 doanh nghiệp với hơn 1.000 lần thay đổi, gây ra không ít thiệt hại cho người dùng.

Bà Halimah DeLaine Prado, Tổng cố vấn của Google, khẳng định công ty không cho phép các doanh nghiệp giả mạo xuất hiện trên Google Maps và đã triển khai nhiều công cụ nhằm bảo vệ người dùng cũng như doanh nghiệp hợp pháp. Bà nhấn mạnh rằng vụ kiện lần này là một thông điệp mạnh mẽ, khẳng định Google sẽ không dung thứ cho các hành vi lừa đảo trên nền tảng của mình.

Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) khuyến cáo người dùng nên kiểm tra kỹ lưỡng địa chỉ website (URL), đồng thời tìm hiểu đánh giá và khiếu nại về doanh nghiệp trước khi liên hệ để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo.

Theo Business Insider/CafeF