Chi tiết bài viết

Quishing là từ ghép giữa QR code và phishing (lừa đảo qua giả mạo). Đây là chiêu thức lừa đảo mới, tinh vi, tận dụng mã QR quen thuộc để dẫn dụ người dùng đến các trang web giả mạo, cài mã độc, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản…

Thủ đoạn lừa đảo thời công nghệ cao mang tên quishing

Theo anh Vũ Quang Trí (32 tuổi), làm việc tại Công ty tư vấn đầu tư và phát triển công nghệ AIC (Hà Nội), quét mã QR để thanh toán nhanh, nhận khuyến mãi tiện lợi, nay đang trở thành “cái bẫy ngọt ngào” dẫn dụ người dùng vào vòng xoáy lừa đảo. Từ các quán cà phê, trạm xăng, đến tin nhắn ngân hàng, mọi mã QR không rõ nguồn gốc đều có thể là “cửa ngõ” để kẻ gian chiếm đoạt thông tin, tiền bạc và cả sự riêng tư.

“Có thể nói, quishing đang bủa vây người dùng từ văn phòng ra vỉa hè”, anh Trí nói.

Cẩn thận với những chiêu lừa qua mã QR - Ảnh 1.

Có những thủ đoạn lừa đảo tinh vi ẩn mình dưới lớp mã QR đen trắng

Thực tế, có những trường hợp đã bị lừa đảo vì quét mã QR. Anh Nguyễn Minh Long (34 tuổi, ở 44/26 đường Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), kể: “Khi thanh toán tiền cho chủ tiệm thời trang. Tôi quét mã QR để thanh toán. Tiền bị trừ, nhưng tài khoản chủ tiệm không nhận được tiền. Hóa ra, mã QR đã bị kẻ xấu dán đè lên”.

Anh Phan Thanh Sang (38 tuổi), tài xế xe ôm công nghệ ở TP.Thủ Đức, TP.HCM), cũng kể: “Tôi ghé quán cà phê lề đường, quét mã QR thanh toán. Mã dán mới tinh. Sau vài phút thì thấy ứng dụng ngân hàng trừ tiền, mà quán không nhận được. May mắn ngân hàng khóa giao dịch kịp thời, tôi không mất nhiều”.
Cảnh báo các cuộc tấn công lừa đảo qua mã QR tăng đột biến trên toàn cầu

Cẩn thận với những chiêu lừa qua mã QR

Phan Nguyễn Minh Hiền, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết từng mất tài khoản ShopeePay. Lý do, theo Hiền là: “Mình quét mã QR để nhận voucher đồ ăn, bị dẫn sang trang đăng nhập Shopee. Mình gõ vào mà không biết đó là trang giả. Tài khoản bị chiếm, điểm tích lũy và thông tin thẻ đều bị lộ”.

Trường hợp khác, chị Trần Thị Mai (28 tuổi), ngụ ở 505/5 Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho hay: “Tôi từng quét mã khi thanh toán để được giảm giá 10%. Nhưng vài tiếng sau phát hiện tiền bị trừ tự động từ thẻ ngân hàng, mà không thể hiểu lý do vì sao. Sau này mới biết là vì cái bẫy mang tên “quishing”.

Cẩn thận với những chiêu lừa qua mã QR - Ảnh 2.

Nhiều nơi kinh doanh dán mã QR để khách thanh toán. Nhưng cẩn thận kẻo kẻ xấu dán đè mã QR

Có những chiếc bẫy ẩn mình dưới lớp mã QR đen trắng 

Theo anh Trương Hoàng Bảo, thành viên diễn đàn chongluadao.vn, đã và đang có những chiếc bẫy ẩn mình dưới lớp mã đen trắng.

Anh Bảo chỉ ra những thủ đoạn lừa đảo liên quan đến mã QR: “Mã QR giả dán tại nơi công cộng. Kẻ gian in mã QR của chúng, dán đè lên QR thật tại quán cà phê, quầy thanh toán, trạm xăng, bến xe… Người dùng tưởng đang chuyển tiền cho cửa hàng nhưng thực chất lại chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Hay mã QR qua tin nhắn hoặc email mạo danh. Theo đó, tin nhắn mạo danh ngân hàng, cơ quan chức năng, ví điện tử… gửi mã QR yêu cầu “xác minh tài khoản”, “cập nhật thông tin”… Một khi người dùng quét và đăng nhập, thông tin sẽ bị đánh cắp”.

Cũng theo anh Bảo, còn có thủ đoạn khác, là kẻ xấu in mã QR lên các sản phẩm quảng cáo, tặng quà, khảo sát, vé số giả… để dụ người dùng quét, từ đó cài phần mềm gián điệp hoặc điều hướng về các trang chứa mã độc.

Anh Vũ Quang Trí, cho rằng hậu quả từ quishing không dừng ở mất tiền. “Tài khoản bị rút sạch trong tích tắc nếu nhập đủ thông tin đăng nhập và OTP. Thông tin cá nhân rò rỉ dẫn đến nguy cơ bị lừa tiếp bằng các chiêu trò khác như mua bảo hiểm giả, đa cấp. Ngoài ra, điện thoại bị cài phần mềm gián điệp, theo dõi thao tác gõ phím, lấy cắp tài liệu, khóa máy đòi chuộc…”, anh Trí nói thêm.